Các mã cổ phiếu bứt phá

Trong năm 2023, thị trường chứng khoán diễn biến phục hồi chậm và thiếu chắc chắn, dù VN-Index tích lũy trong thời gian dài. Song qua một nhịp điều chỉnh đã có thể đánh bay thành quả trước đó, khiến đa số cổ phiếu có chung cảnh “tăng ít, giảm nhiều”. Tuy nhiên, cổ phiếu “họ” Viettel lại trở thành mã “sống tốt, sống khỏe”.

Giá cổ phiếu “họ” Viettel leo dốc
các mã cổ phiếu "họ" Viettel vẫn đang "sống khỏe"

Trong phiên cuối cùng của tháng 11, cổ phiếu CTR của Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction) lập đỉnh mới với giá 92.000 đồng/cổ phiếu. Những vào phiên 1/12, giá cổ phiếu này có sự điều chỉnh, nhưng đóng cửa phiên 7/12 chỉ thấp hơn 1.100 đồng/cp so với mức đỉnh vừa lập và tăng gần 83% so với cuối năm ngoái. Trong khi đó chỉ số VN-Index tăng 11,3%.

Cổ phiếu VTP của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đang dao động quanh đỉnh mới, đóng phiên ngày 7/12 là 48.600 đồng/cp, gấp đôi so với cuối năm 2022.

Kể từ đầu năm, xu hướng giá của hai cổ phiếu này nhìn chung là “tuần tự nhi tiến”.

Trong khi, cổ phiếu VTK của Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Viettel (Viettel Consultancy) sau khi đi ngang một thời gian dài, đã tăng mạnh từ cuối tháng 11, đóng cửa phiên 7/12 là 31.200 đồng/cp, giảm 700 đồng/cp so với phiên trước đó, nhưng tăng hơn 72% so với cuối năm 2022.

Cổ phiếu VGI của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) biến động mạnh theo cả chiều lên và xuống. Chốt phiên ngày 7/12 là 26.400 đồng/cp, vẫn cao hơn 32% so với cuối năm 2022.

Doanh thu tăng trưởng

Sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu Viettel chủ yếu nhờ vào kết quả kinh doanh khá khả quan, dù có sự phân hóa giữa các công ty. Nhìn chung, kinh tế thế giới và trong nước đều gặp khó khăn, khiến đa số doanh nghiệp niêm yết ghi nhận lợi nhuận giảm. SSI Research cho biết, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý III giảm 3,5% so với quý II; Lũy kế 9 tháng đầu năm, giảm 15,8% so với cùng kỳ.

Viettel Construction chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng viễn thông và xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng. Sau nhiều năm, công ty thu về sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định nhất trong nhóm Viettel khi đạt mức tăng 2 con số.

Giá cổ phiếu “họ” Viettel leo dốc
Viettel Construction có doanh thu và lợi nhuận ổn định nhất trong nhóm Viettel

Tháng 10/2023, doanh nghiệp đạt doanh thu 1.117,6 tỷ đồng, tăng 22%; Lợi nhuận trước thuế là 66,2 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lũy kế 10 tháng đầu năm, doanh thu là 9.241,7 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ, hoàn thành 89,4% kế hoạch năm; Lợi nhuận thuế đạt 532,9 tỷ đồng, tăng 16%, hoàn thành 86,9% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, Viettel Construction đã ký kết 1.750 tỷ đồng các dự án xây dựng dân dụng B2B; 1.341 tỷ đồng cho các dự án xây dựng dân dụng B2C và SME. Với kỳ vọng thị trường BĐS sẽ dần khởi sắc giúp các chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ xây dựng, trở thành cơ hội cho Viettel Construction có thêm nguồn việc cho năm 2024.

Viettel Post chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát, kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa; Bưu chính; Kho bãi. Sau đại dịch Covid - 19, thói quen mua sắm của người dân thay đổi từ offline sang online, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử đã thúc đẩy hành vi mua sắm trực tuyến. Viettel Post là đơn vị hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng này.

Giá cổ phiếu “họ” Viettel leo dốc
Viettel Post hưởng lợi từ thói quen mua sắm của người dân

Trong quý III, công ty đạt doanh thu 4.792 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với cùng kỳ. Nhờ vào giá vốn giảm mạnh nên biên lợi nhuận gộp đã cải thiện từ 2,5% lên 5%, khiến lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi lên 102,5 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Viettel Post ghi nhận doanh thu 14.483 tỷ đồng, giảm 11,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế gần 276 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Tới nay, công ty đạt sản lượng gần 750.000 đơn hàng/ngày, hướng đến mục tiêu 1 triệu đơn hàng/ngày từ nay đến cuối năm. Theo kế hoạch năm 2023, doanh thu của Viettel Post là 18.464 tỷ đồng, giảm 15%, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng là 376 tỷ đồng, tăng gần 47% so với năm ngoái.

Viettel Global ghi nhận doanh thu quý III là 7.326 tỷ đồng, tăng 15%, lợi nhuận sau thuế giảm 26% so với cùng kỳ, xuống 1.409 tỷ đồng. Việc này là do Viettel Global trích lập dự phòng khoản phải thu đối với công ty Viettel Myanmar và có khoản lỗ chênh lệch tỷ giá nên chưa thực hiện do đánh giá lại cuối kỳ các khoản tiền tệ có gốc ngoại tệ. Khi loại trừ khoản trích lập này và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện thì lãi sau thuế quý của doanh nghiệp cao hơn 354 tỷ đồng so với cùng kỳ, nhờ hoạt động cốt lõi tăng trưởng.

Viettel Global có khoản lỗ 1.219 tỷ đồng trong quý II do mạnh tay trích lập dự phòng đầu tư và khoản phải thu, và chịu ảnh hưởng bởi chênh lệch tỷ giá. Khi loại trừ các yếu tố này, lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng 615 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đạt 20.628,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 17,15; Lợi nhuận sau thuế là 784,3 tỷ đồng, giảm 81,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi Viettel Consultancy không công bố kết quả kinh doanh theo quý, thay vào đó công bố KQKD theo năm. Từ năm 2018 đến nay, công ty ghi nhận lãi sau thuế trên 16 tỷ đồng/năm, riêng năm 2022 báo lãi 20,7 tỷ đồng, theo kế hoạch 2023 lãi 24,6 tỷ đồng.

Tại hội nghị sơ kết quý III/2023 diễn ra vào đầu tháng 10, Ban lãnh đạo Viettel Consultancy thông báo doanh thu công ty đạt 76,3 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ; Đạt lợi nhuận 8,6 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch quý.

Tốc độ tăng trưởng từ lĩnh vực truyền thống suy giảm, cạnh tranh gay gắt hơn, nguồn việc cạn dần, các nhà mạng hạn chế đầu tư. Do vậy, Viettel Consultancy bắt đầu công cuộc đổi mới toàn diện công tác sản xuất - kinh doanh, tối ưu nguồn lực, nâng cao hiệu quả lãnh đạo.

Mục tiêu đặt ra là duy trì vị thế số 1 của các lĩnh vực truyền thống, thúc đẩy đầu tư phát triển các lĩnh vực, ngành nghề mới, nhất là lĩnh vực đo lường, tối ưu hạ tầng viễn thông.