Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), trong tháng 10/2023 số lượng hành khách hàng không trên thị trường đạt 5,4 triệu khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượng hành khách quốc tế đạt 2,6 triệu khách, tăng 69% so với tháng 10/2022.

Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia năm 2023 doanh thu của các hãng hàng không đã khởi sắc trở lại. Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa đưa ra mới đây, ghi nhận mức tổng doanh thu từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 23.753 tỷ đồng, tăng trưởng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu đạt gần bằng ở thời điểm trước dịch Covid xảy ra.

Sau 3 năm chật vật trong dịch bệnh, tình hình kinh doanh của Vietravel Airlines cũng khả quan hơn khi mới đây hãng bay này báo doanh thu trong 9 tháng đầu năm tăng trưởng 30% so với giai đoạn 9/2022. Báo cáo tài chính quý III/2023 của Vietjet cũng đã công bố mức doanh thu tăng lên 14.200 tỷ đồng một phần nhờ nguồn thu phụ trợ và bán đồ ăn trên máy bay.

Tuy nhiên, việc tăng doanh thu trở lại cũng không mang đến kì vọng khả quan như các hãng hàng không mong đợi. Mặc dù họ đã phải sử dụng đến phương án tái cơ cấu, cắt giảm nhân viên, cắt giảm chi phí nội bộ nhưng vẫn không ăn thua. Nguyên nhân chính được cho là những chi phí để vận hành một hãng bay rất đắt đỏ khi giá nhiên liệu leo thang từng ngày, tỉ giá, lãi suất liên tục thay đổi theo chiều hướng tiêu cực và các xung đột địa chính trị trên thị trường quốc tế biến động.

Giá nhiên liệu tăng mạnh, các hãng hàng không chật vật đối phó
Các hãng hàng không đang gặp khó khăn khi chi phí vận hành quá cao

Giá nhiên liệu không ngừng tăng cao

Trong cơ cấu chi phí của một hãng bay, giá nhiên liệu sẽ chiếm từ 25 -28% chi phí khai thác. Tuy nhiên, khi giá nhiên liệu tăng cũng sẽ đẩy mức chi phí này lên khoảng 36-38% tổng chi phí khai thác. Thậm chí, với những hãng hàng không hoạt động theo mô hình không nói không với chi phí thấp thì giá nhiên liệu leo đỉnh sẽ kéo theo số tiền chi cho nhiên liệu của hãng bay cao hơn rất nhiều.

Theo tờ Financial Times nhận định, trong hai năm gần đây giá vé trên nhiều đường bay tăng đáng kể. Theo các cuộc khảo sát thì giá vé trung bình trên hơn 600 đường bay có lượng khách đông nhất thế giới đã tăng vọt hơn 27,4% tính so với hàng năm đến tháng 2/2023. Thực trạng này đã kéo dài trong 15 tháng liên tiếp.

Cập nhật theo dữ liệu của các hãng bay cho thấy, trong năm 2023 giá nhiên liệu trung bình so với năm 2015 (thời điểm khung giá vé máy bay hiện tại được áp dụng) đã tăng tới 58,6%. Cụ thể từ 67,37 USD/thùng trung bình trong năm 2015 lên mức 106,86 USD/thùng trong năm 2023.

Đây là nguyên nhân chính khiến cho chi phí của các hãng bay bị độn lên cao, cũng vì thế lợi nhuận bị sụt giảm. Ví dụ như chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines năm 2023 so với năm 2019 đã tăng trên mức 6.200 tỷ đồng.

Vấn đề này không chỉ xảy ra đối với các hãng nội địa Việt Nam mà các hãng hàng không lớn trên thế giới như Delta Airlines, American Airlines đã đều đồng loạt hạ dự báo lợi nhuận quý III do ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng cao khiến chi phí hoạt động cũng vọt ngoài tầm kiểm soát. Thậm chí, nhiều hãng còn phải cân nhắc đến việc áp dụng "phụ phí nhiên liệu" để vớt vát lại phần lợi nhuận bị mất.

Chi phí làm lợi nhuận hao hụt

Theo đánh giá của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), các hãng bay trong nước sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất là việc giá nhiên liệu đang có xu hướng tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc biến động tỷ giá USD/VND trong năm 2023 cũng dẫn đến chi phí đầu vào tăng.

Số liệu thống kê cho thấy, tỷ giá đã tăng từ 21.900 VND/USD bình quân năm 2015 lên 23.900 VND/USD bình quân năm 2023, tương ứng với tỷ lệ tăng khoảng 9%. Đà tăng của đồng USD trên thế giới cũng như sự chênh lệch giữa tỷ giá USD và VND cũng là một yếu tố gây áp lực lên gias vé máy bay.

Vietnam Airlines cho biết, trong năm 2023 trung bình giá vé nội địa của hãng thấp hơn 11% so với thời điểm trước dịch 2019. Theo ước tính của Vietnam Airlines, nếu cuối năm 2023 tỷ giá USD/VND chỉ cần tăng 1% so với kế hoạch dự kiến hạch toán sẽ khiến cho lợi nhuận của hãng giảm khoảng 200 tỷ đồng do đánh giá lại nợ phải trả dài hạn gốc USD.

Giá nhiên liệu tăng mạnh, các hãng hàng không chật vật đối phó
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ, ban ngành

Bên cạnh đó, các đồng bản tệ của những thị trường trọng điểm du lịch đến Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật cũng tăng khiến cho hiệu quả thực của các hãng hàng không đã bị giảm mạnh. Thậm chí, có hãng còn không còn lãi mặc dù hệ số khách và số lượng vận chuyển đã tăng khá cao so với thời điểm trước dịch bệnh.

Những yếu tố trên đã khiến cho chi phí đầu vào của các hãng hàng không tăng mạnh, rất khó để cân bằng thu chi. Chính việc dòng tiền và lợi nhuận hao hụt đã ảnh hưởng nặng nề khiến các hãng không thể tăng số lượng máy bay, mở rộng thị trường khai thác. Đồng thời, phải cắt giảm mọi chi phí và không thể mở rộng hay nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng.

Trong khi đó việc điều chỉnh giá vé cũng là một “cái khó” vì có thể bù được những thiếu hụt từ doanh thu nhưng sẽ khiến cho hành khách cân nhắc, thậm chí tạo ra hiệu ứng ngược khiến khách hàng từ bỏ các hãng hàng không và chọn hình thức di chuyển khác

Đại diện Vietnam Airlines chia sẻ trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp hàng không đã cạn nguồn lực không thể mở các đợt khuyến mại, giảm giá hút khách. Do đó, muốn cải thiện tình hình hiện tại thì Chính phủ, Bộ, ban ngành cần phải hỗ trợ nỗ lực và đồng thời để doanh nghiệp ngành hàng không chủ động kiểm soát biến động chi phí và làm sáng hơn bức tranh lợi nhuận của họ.