Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa hết biến động
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa hết biến động

Mỹ chống chịu tốt

Việc GDP quý 1 trong lần điều chỉnh cuối cùng đạt mức 2% so với quý trước nếu tính theo năm, vượt xa con số ước tính 1,3% hồi tháng 5 và 1,1% hồi tháng 4, phần nào cho thấy khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh các đợt tăng lãi suất kéo dài. Động lực tăng trưởng kinh tế quý 1 đến từ chi tiêu tiêu dùng cá nhân của Mỹ và xuất khẩu đều mạnh hơn so với ước tính trước. Bất chấp việc lãi suất tăng khiến chi phí đi vay cao hơn, chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng 4,2% theo năm, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ quý 2/2021.

Với việc tăng trưởng kinh tế quý 1 được cải thiện, xác suất suy thoái của Mỹ 12 tháng tới được điều chỉnh giảm từ 35% xuống còn 25% theo đánh giá của Goldman Sachs. Đà tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì trong quý 2, hỗ trợ bởi việc chỉ số niềm tin người tiêu dùng được cải thiện trong tháng 6, đạt mức cao nhất trong vòng 4 tháng qua, khi lạm phát giảm, thỏa thuận về trần nợ công được thông qua, và tình hình việc làm cải thiện.

Tác động của các đợt tăng lãi suất đang dần được phản ánh vào nền kinh tế, với lạm phát tổng các tháng đầu năm cho thấy xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên lạm phát lõi vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, thị trường việc làm còn khá vững mạnh, với số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu đã giảm xuống còn 239.000 trong tuần kết thúc vào ngày 24/6, giảm 26.000 đơn so với tuần trước đó và thấp hơn nhiều so với con số ước tính là 264.000 đơn.

Lạm phát vẫn ở mức cao so với mục tiêu, cùng “thị trường việc làm còn rất mạnh”, theo đánh giá của ông Powell tại sự kiện do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức hồi tháng 6 tại Sintra, Bồ Đào Nha, chính là động lực thúc đẩy Fed duy trì việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, với việc lạm phát đã giảm trong tháng 6, thị trường kỳ vọng đợt tăng lãi suất tiếp theo trong kỳ họp tháng 7 của Fed sẽ là lần tăng cuối cùng trong năm nay.

Việc mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ tác động đến chi tiêu của người dân, ảnh hưởng đến tăng trưởng tổng mức bán lẻ. Theo quan sát, tăng trưởng tổng mức bán lẻ tại Mỹ theo tháng (MoM) còn khiêm tốn, và tăng trưởng theo năm duy trì ở mức âm. Việc giá trị hàng tồn kho - vốn đang ở mức cao trong các tháng đầu năm - chưa thể giảm nhanh, khi lãi suất được dự báo tiếp tục tăng, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc.

Trung Quốc tăng trưởng xuất khẩu giảm

Trước áp lực giảm hàng tồn kho của ngành bán lẻ Mỹ từ tháng 8 năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh, năm tháng đầu năm ghi nhận giảm 15,2% so với cùng kỳ, riêng tháng 5 giảm 18,2%. Không chỉ riêng thị trường Mỹ, xuất khẩu của Trung Quốc sang các quốc gia khác cũng giảm khi nhu cầu toàn cầu suy yếu, khiến tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 5 bất ngờ giảm 7,5% so với cùng kỳ. Tình trạng thiếu đơn hàng mới khiến khu vực sản xuất tiếp tục đà thu hẹp. Theo dữ liệu mới nhất, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đã giảm 3 tháng liên tiếp, xuống 49 điểm - dưới mức chuẩn 50 điểm.

Đà phục hồi từ tiêu dùng nội địa cũng yếu đi, thể hiện qua mức tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 5 đạt 12,7%, thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 13,6% và thấp hơn mức 18,4% của tháng 4. Mức chi tiêu trung bình của khách du lịch dịp ngày lễ tháng 6 cũng chỉ bằng 84% so với năm 2019 - thời điểm trước khi diễn ra dịch Covid-19. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 đến 24 tuổi trong tháng 5 là 20,8%, tăng từ mức 20,4% trong tháng 4.

Thị trường bất động sản Trung Quốc chững lại khi nhu cầu suy yếu, tăng trưởng doanh số bán nhà chung cư mới đã mất đà phục hồi tốt của các tháng trước - một phần nhờ nền thấp của năm 2022. Tốc độ tăng giá nhà cũng chậm lại, cụ thể giá nhà ở tại các thành phố loại 1 và loại 2 chỉ tăng nhẹ tương ứng 0,1% và 0,2% so với tháng trước. Bên cạnh đó, thêm 2 nhà phát triển bất động sản lớn thông báo không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ liên quan tới trái phiếu vào cuối tháng 6: Central China - công ty xây dựng lớn thứ 33 về số lượng bán nhà tại Trung Quốc, không thể thanh toán lãi vay của 1 khoản tín phiếu, sẽ tạm dừng thanh toán các khoản nợ ở nước ngoài; và Leading Holdings Group Ltd không thể thanh toán toàn bộ 119,4 triệu USD gốc và lãi đến hạn của trái phiếu chuyển đổi.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã quyết định hạ bốn loại lãi suất điều hành quan trọng ngay trong tháng 6 gồm: Mức lãi suất mua lại đảo ngược (reverse repo) kỳ hạn 7 ngày từ 2,00% xuống 1,90%; Mức lãi suất đối với các khoản vay cơ sở cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm đối với một số tổ chức tài chính từ 2,75% xuống 2,65%; Mức lãi suất cho khoản vay 1 năm từ 3,65% xuống 3,55%; Mức lãi suất cho khoản vay trên 5 năm từ 4,30% xuống 4,20%. Đây là lần đầu tiên PBOC hạ lãi suất trong năm nay và 10 tháng kể từ lần hạ lãi suất điều hành gần nhất. Động thái này cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang gấp rút hành động nhằm kích thích đầu tư và tiêu dùng, khi sự phục hồi hậu Covid trong 5 tháng đầu năm 2023 không đạt mức kỳ vọng. Việc đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá 2,0% trong tháng 6 đã phản ánh các đợt hạ lãi suất của PBOC trong tháng và sự bi quan về sức hồi phục của nền kinh tế./.

PV