Nỗ lực và điên cuồng

Các lãnh đạo doanh nghiệp BĐS đã có sự trải lòng về việc bán rẻ dự án để có tiền trả nợ, cứu công ty. Chẳng hạn, tại đại hội đồng thường niên năm 2023 của Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG), Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như Loan đã có chia sẻ về việc công ty phải tính toán lại dòng tiền nghìn tỷ để trả nợ đối tác trong năm nay. Nhằm xử lý khoản nợ, doanh nghiệp dự kiến bán dự án thủy điện ở Gia Lai.

Trong khi đó, Ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông rằng, với thời điểm khó khăn cực độ như hiện nay, giá cổ phiếu chỉ còn 13.000 đồng/cổ phiếu, theo ban lãnh đạo công ty, nếu phát hành thêm cổ phiếu sẽ không có nhiều người mua, ngân hàng cũng không cho vay BĐS.

Lạ lùng cách doanh nghiệp địa ốc “giải khát” vốn
Các doanh nghiệp liên tục kêu chuyện "hết tiền"

“Tôi mang nhiều tài sản của gia đình và cá nhân bán đi hoặc thế chấp để đóng góp, hỗ trợ công ty. Thậm chí có một tài sản trị giá 3.000 tỷ đồng cũng phải chấp nhận bán lỗ 2.000 tỷ đồng để có được dòng tiền” - Vị chủ tịch nói.

Như vậy để thấy rằng, trong 8 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp địa ốc đã có những nỗ lực không ngừng, phần nào giúp họ vượt qua cơn bĩ cực. Cho tới hội nghị lần 2 về bất động sản trên toàn quốc vừa qua, các doanh nghiệp địa ốc cho biết họ đã thấy được ánh sáng nơi cuối đường hầm.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn cầu (GP.Invest) nhìn nhận, dưới tác động cụ thể của những chỉ đạo, chính sách, biện pháp từ Chính phủ như tháo gỡ thể chế, giãn nợ trái phiếu, giảm lãi suất … đã giúp thị trường bớt ảm đạm hơn.

“Nhiều chủ đầu tư ghi nhận tín hiệu hồi phục, dù cho số doanh nghiệp phải giải thể hay ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Quan trọng hơn cả là cởi bỏ được tâm lý e ngại, mất niềm tin của thị trường” - Ông Hiệp nói và viện dẫn tại GP.Invest, rằng các chỉ đạo cụ thể từ Chính phủ, Thủ tướng và tổ công tác cho thấy tác động cụ thể, ảnh hưởng trực tiếp tới những biến chuyển tích cực của dự án Palm Manor ở Việt Trì, Phú Thọ.

Dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013, tuy nhiên vì vướng mắc giải phóng mặt bằng nên mới triển khai được một phần nhỏ, tới giữa năm 2023, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ mới thông báo về các biện pháp cụ thể giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, giao đất từng phần để chủ đầu tư chủ động trong tổ chức thi công.

Ông Hiệp cho rằng, với các quyết định cụ thể, xử lý dứt khoát của cơ quan địa phương đã tạo đà cho Palm Manor Việt Trì chuyển động tích cực cùng khả năng đầu năm 2024 sẽ có sản phẩm mới ra thị trường. Không chỉ có dự án tại Phú Thọ mà những dự án khác của GP.Invest ở Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hải Dương… cũng có những chuyển động tích cực hơn.

Lạ lùng cách doanh nghiệp địa ốc “giải khát” vốn
Nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thâu tóm nhiều tài sản tại Việt Nam

Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn cho biết, hiện tại các dự án của doanh nghiệp căn bản đã có hướng giải quyết cụ thể. Hầu hết các dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã được lãnh đạo tỉnh phê duyệt giải quyết. Những dự án ở TP. HCM, Bình Thuận, Đồng Nai được tổ công tác và các bộ ban ngành hướng dẫn tận tình và được địa phương tháo gỡ.

Dù bước đầu đã có kết quả, nhưng khó khăn trước mắt còn rất lớn. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường BĐS trong nửa đầu năm 2023 vẫn trầm lắng, khó khăn cho doanh nghiệp vay vốn, phát hành trái phiếu, huy động vốn khách hàng… dẫn tới việc thiếu vốn, phải giãn tiến độ hoặc ngừng triển khai dự án.

Đặc biệt, dự kiến nửa cuối năm 2023, tổng giá trị trái phiếu đến hạn sẽ khoảng 158.500 tỷ đồng, phần lớn trong đó là trái phiếu BĐS đến hạn với giá trị 80.952 tỷ đồng, chiếm 51%.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra nhiều vấn đề của doanh nghiệp BĐS hiện nay, đầu tiên phải kể tới là dòng tiền. Việc điều hành tín dụng có nhiều vấn đề khi lúc thả ra quá nhanh, khi siết lại cũng nhanh khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

“Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, những gì bán được đã bán và bán chỉ 50% giá thực, và người mua là nước ngoài. Đây là câu chuyện chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần, rất nguy hiểm” - Ông Dũng nhấn mạnh.

Thị trường cần được hỗ trợ tốt hơn

Về bức tranh dòng vốn của các doanh nghiệp địa ốc ở thời điểm này, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, với tình hình ảm đạm hiện nay, đang khó lại càng khó hơn bởi các chính sách chưa gỡ vướng xong. Doanh nghiệp địa ốc khi gặp khủng hoảng lại không thể tiếp cận nguồn vốn. Nghị quyết 33 của Chính phủ đang tháo gỡ toàn diện cho thị trường, nhưng để đi vào cuộc sống thì cần có độ trễ nhất định, không thể làm ngay.

Lạ lùng cách doanh nghiệp địa ốc “giải khát” vốn
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó chủ tịch câu lạc bộ bất động sản Hà Nội

Nhìn trên bình diện lớn hơn, theo ông Điệp, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang đi lên, đang phát triển nên cần tạo ra động lực, tạo mọi cơ chế và chính sách cởi mở, thông thoáng. Còn nếu áp dụng những chính sách không phù hợp với thực tiễn thì có thể khiến thị trường thụt lùi 5 - 7 năm.

“Chúng ta không nên ảo tưởng như những nước đã phát triển tới hàng trăm năm nay, họ đã ổn định và quá vững vàng, doanh nghiệp đã quá lớn mạnh. Trong khi đó Việt Nam có đến 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn trong giai đoạn phát triển nên cần có sự hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách thì mới bứt phá được.

Sau khi trải qua 25 năm phát triển, thị trường BĐS Việt Nam được rất nhiều. Được ở đây là cơ chế chính sách, hạ tầng, đô thị phát triển. Với bất động sản chỉ cần có nguồn lực và cơ chế chính sách phù hợp” - Ông Điệp bình luận.