Nhiều ngân hàng hiện đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhằm kích cầu giải ngân vốn ra.

"Năm nay nhu cầu tín dụng thấp nên chính các ngân hàng cũng khá sốt ruột, muốn đẩy tín dụng ra.

Một trong những cách đẩy tín dụng ra, kích thích, tạo nhu cầu cho khách hàng là phải giảm lãi suất, làm sao để chi phí tài chính dễ chấp nhận. Như vậy so với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu hạ từ 1,5 - 2%, thì ngay chính chúng tôi cũng chủ động rồi, nên việc thực thi cũng không quá khó khăn", theo chia sẻ từ Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng.

TPBank vào giữa tháng 8 đã chủ động triển khai giảm lãi suất cho vay cơ sở VND lần thứ 8 liên tiếp, tăng tổng mức giảm lên 1,5-2,5%, thực thi với tất cả các khoản vay hiện hữu đến kỳ điều chỉnh lãi suất. Tại TPBank, nhiều khoản vay mới và cũ đều được giảm lãi và gia hạn.

Lãi suất có xu hướng ngày càng giảm
Nhiều ngân hàng đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất để kích cầu giải ngân vốn

Cả Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank trong tuần trước đã đồng loạt giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng về chỉ còn mức 3%/ năm, thấp hơn so với trước thời điểm tháng 9/2022, khi các nhà băng bước vào cuộc đua về lãi suất.

Bên cạnh đó, kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm còn 5,5%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm còn 5,8%/năm, kỳ hạn 6 - 9 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm còn 4,7%/năm, và kỳ hạn 3 - 5 tháng cũng giảm 0,3 điểm phần trăm còn 3,8%/năm.

Ngoài các Ngân hàng Thương mại (NHTM) quốc doanh, hàng loạt ngân hàng khác cũng tăng cường cắt giảm lãi suất tiền gửi, nhất là ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, trong đó nhiều ngân hàng có từ 2-3 đợt giảm liên tục chỉ trong tháng 8 vừa qua.

Theo Thống kê theo khung lãi suất tiền gửi niêm yết bình quân của 35 ngân hàng nội địa, lãi suất kỳ hạn từ 13 tháng trở lên giảm 0,48%, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,67%, kỳ hạn 6 - 11 tháng giảm đến 0,49 % và kỳ hạn 1 - 5 tháng đã giảm thêm 0,15% trong tháng 8.

Lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng đã giảm về mức thấp nhất trong hơn ba năm gần đây với kỳ hạn qua đêm còn 0,17%/năm tính đến cuối tuần qua, và các kỳ hạn 1-2 tuần đã giảm về dưới mốc 0,5%/ năm. Xu hướng lãi suất đi xuống dường như đang diễn ra ở các thị trường, khi tình trạng thừa vốn cũng đang xảy ra ở các ngân hàng trên diện rộng.

Theo BIDV, Vietcombank, các ngân hàng đều triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác. Chính sách này áp dụng đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống của khách hàng cá nhân.

Vietcombank ở thời điểm hiện tại áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8,0%/năm trong 24 tháng đầu. Ngân hàng này sẽ điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo tình hình thực tế.

Khách hàng được dùng nhiều loại tài sản để đảm bảo khoản vay như tiền mặt, bất động sản, số dư trên tài khoản tiền gửi, giấy tờ có giá…

Theo Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, Đinh Đức Quang, NHNN đã hành động quyết liệt hơn dự đoán, thiên về chính sách nới lỏng hơn trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng yếu. Rất có thể, ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong quý III/2023.

Theo CEO một ngân hàng, các nhà băng đang cố gắng thiết lập mặt bằng lãi suất tốt nhất cho khách hàng. Lãi suất cho vay trên thị trường cạnh tranh rất quyết liệt vì ngân hàng nào cũng muốn có lãi suất tốt nhằm thu hút khách hàng.