Tại Họp báo thường kì tháng 10 diễn ra chiều ngày 5/10, Bộ Thông tin và truyền thông đã công bố kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Theo đó, đại diện Bộ Thông tin và Truyền Thông cho biết, đối tượng trong đợt kiểm tra liên ngành vừa qua bao gồm 2 pháp nhân của TikTok tại Việt Nam là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ TikTok Việt Nam (Công ty TikTok Việt Nam) và Văn phòng đại diện TikTok Pte. Ltd tại thành phố Hồ Chí Minh (Văn phòng TikTok).

Thông tin cụ thể kết quả sau thanh kiểm tra, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam do TikTok Pte.Ltd (TikTok Singapore) trực tiếp quản lý, vận hành (bao gồm trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok). Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Vì vậy, TikTok Singapore mới là đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm về việc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

Lộ diện loạt vi phạm của Tiktok tại Việt Nam
Lộ diện loạt vi phạm của Tiktok tại Việt Nam

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông xác định TikTok đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam bao gồm lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, các thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội, thông tin gây hại cho trẻ em.

Cụ thể, quy trình kiểm duyệt nội dung của TikTok chưa hiệu quả khi để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cách thức phân phối, đề xuất nội dung dựa trên sự quan tâm, tương tác, sở thích của người dùng dễ dẫn đến việc nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam được lan truyền với tốc độ nhanh chóng nếu được nhiều người dùng tương tác, quan tâm.

Đối với trẻ em, TikTok cũng không có công cụ, biện pháp để đảm bảo an toàn thông tin bí mật đời sống riêng tư, không gửi cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp hay thay đổi những thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em. TikTok cũng không thực hiện phát hiện, loại bỏ hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, không tổ chức tiếp nhận thông tin đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em,…

Trước những sai phạm, đoàn kiểm tra đã có kiến nghị với Bộ Công thương có biện pháp buộc TikTok Singapore khắc phục sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ sàn thương mại xuyên biên giới vào Việt Nam.

Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có biện pháp để xử lý buộc TikTok Singapore khắc phục ngay các sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới vào Việt Nam, dịch vụ mạng xã hội,... đã được chỉ ra tại Kết luận Kiểm tra.

Tại cuộc họp thường kì diễn ra vào chiều 5/10, đại diện TikTok Việt Nam đánh giá những thay đổi trên "lớn và phức tạp". Tuy nhiên, đơn vị sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để tìm hướng giải quyết cho các ý kiến được đề cập.