Chủ nợ lớn của Bamboo Airways - Sacombank có chủ trương đầu tư vào hãng hàng không này. Hiện tại, ngân hàng đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục xin cơ quan chấp thuận. Đây là thông tin được ông Phan Đình Tuệ, thành viên HĐQT Bamboo Airways đưa ra tại buổi họp bất thường sáng 15/9.

Ông Tuệ từng làm Phó tổng giám đốc Sacombank từ năm 2012 trước khi gia nhập vào HĐQT Bamboo Airways. Ông hiện vẫn giữ vai trò là thành viên của HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2022 - 2026.

Sacombank là ngân hàng đang tài trợ lớn cho hãng hàng không Bamboo, thực sự quan tâm đến việc tái cấu trúc và kỳ vọng hãng bay này phát triển. Ông Tuệ cho biết, Sacombank là tổ chức tín dụng, do đó đầu tư vào Bamboo được xem là đầu tư ngoài ngành. Do đó, việc đầu tư này chỉ có thể thực hiện được khi Sacombank xúc tiến thủ tục và xin được chấp thuận từ cơ quan quản lý.

Lý do khiến Sacombank muốn đầu tư vào Bamboo Airways
Ông Dương Công Minh (bên trái) và ông Nguyễn Ngọc Trọng, Tổng giám đốc Bamboo Airways

Căn cứ vào Luật tổ chức tín dụng, một ngân hàng không thể nắm giữ vượt quá 11% cổ phần của doanh nghiệp nhận vốn góp.

Trước đó, NCB - ngân hàng cấp khoản vay cho Bamboo Airways đã quyết định bán nhanh 203 triệu cổ phần của hãng này đang thế chấp tại ngân hàng để thu hồi vốn sớm.

Khi đó, số cổ phần này tương đương với 11% vốn của Bamboo. Như vậy, ngân hàng NCB đã tính toán để cho vay tối đa theo quy định của Luật, tỷ lệ sở hữu không vượt quá tỷ lệ cho phép trong trường hợp phải thu giữ tài sản đảm bảo.

Đối với Sacombank, ngân hàng muốn tiến sâu vào quá trình tái cơ cấu của Bamboo Airways nên khoản đầu tư sẽ phức tạp hơn. Ngân hàng có thể phải xin một cơ chế đặc biệt mới có thể thực hiện điều đó.

Trước đây, một ngân hàng đã đề xuất đầu tư lập hãng bay với tỉ lệ nắm giữ 49%. Techcombank và Vietnam Airlines hồi năm 2016 từng đề xuất lên Bộ Giao thông vận tải xin góp vốn để thành lập hãng hàng không mới là SkyViet.

Dự kiến, hãng hàng không mới này có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, 51% vốn điều lệ là các máy bay sẵn có từ Vietnam Airlines, 49% vốn điều lệ từ Techcombank qua công ty con. Dẫu vậy, phương án này sau đó bất thành.

Với Sacombank, hiện nay ngân hàng là chủ nợ lớn nhất của hãng hàng không Bamboo khi dư nợ ở mức 3.000 tỷ đồng. Đó là khoản vay có tài sản đảm bảo và Bamboo vẫn thực hiện trả nợ đúng hạn.

Thế nhưng, triển vọng hoạt động kinh doanh của Bamboo đang để lại dấu hỏi lớn khi hãng báo lỗ 17.600 tỷ đồng vào năm 2022. Sacombank có thể sẽ phải nhận các khoản vay thành nợ xấu nếu Bamboo gặp khó về tài chính và không thể trả nợ.

Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2023 tăng lên mức 1,8% so với mức gần 1% thời điểm đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank có thể tiếp tục tăng nếu các khoản nợ của Bamboo thành nợ xấu.

Hiện nay, Bamboo Airways đang triển khai tái cơ cấu tổng thể để tối ưu hóa nguồn lực cũng như cải thiện hiệu quả hoạt động với tân chủ tịch của hãng hàng không này là ông Lê Thái Sâm.

Ông Sâm đã ký các hợp đồng cho Bamboo vay tiền mặt từ năm 2022 để đảm bảo hoạt động thường xuyên của hãng bay này. Tổng số tiền Bamboo Airways đã vay ông Sâm tính đến hết ngày 10/4/2023 là 7.700 tỷ đồng.

Các khoản nợ của ông Sâm sau đó đã được hoán đổi thành cổ phần của Bamboo Airways và ông Sâm trở thành cổ đơn lớn nhất. Bamboo Airways vừa qua đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để bầu thành viên HĐQT bổ sung sau khi thành viên mới được cách đó 3 tháng từ nhiệm.

Công ty Chứng khoán SSI cho rằng việc Sacombank đầu tư vào Bamboo Airways là trường hợp tiềm ẩn rủi ro về tín dụng với ngân hàng nếu Bamboo thất bại tái cơ cấu.

Tuy vậy, quá trình tái cơ cấu của Bamboo Airways đang có được sự quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ. Trong văn bản chỉ đạo hỗ trợ Bamboo Airways vào tháng 8, Thủ tướng đã giao NHNN làm việc với Bamboo để giải quyết khó khăn về vốn và tham gia cổ phần của các nhà băng có đủ điều kiện. Đó là nền tảng để đề xuất góp vốn của Sacombank thành sự thật.

Trở lại tháng 8 năm ngoái, Bamboo Airways công bố ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank sẽ là cố vấn cấp cao cho HĐQT của hãng hàng không. Ông là doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm về bất động sản và tài chính. Việc HĐQT có ông Minh làm cố vấn cấp cao được kỳ vọng mang ý nghĩa quan trọng trong việc tái cấu trúc của hãng hàng không này.