Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - ông Vũ Đức Giang phát biểu trong hội nghị “Tổng kết Hiệp hội Dệt may Việt Nam 2023” rằng, đến thời điểm này, ngành dệt may cơ bản đã có sự thành công nhất định với kim ngạch xuất khẩu đạt mức 40,3 tỷ USD. Và với bài học kinh nghiệm thu hái được trong năm 2023 thì đến năm 2024, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.

Thách thức vẫn còn lớn đối với ngành dệt may

Trong năm 2023, doanh nghiệp đã phải bươn chải với áp lực về giá và chi phí, thời gian giao hàng ngắn cũng như đảm bảo việc làm cho người lao động. Song song với đó, chịu tác động từ cạnh tranh trên thị trường trong cũng như ngoài nước, trong khi đó thì cơ chế chính sách không theo kịp xu thế,...

Và trong bối cảnh khó khăn này, ngành đã thực hiện 3 giải pháp căn cơ. Đó chính là liên kết chuỗi, đa dạng hóa thị trường, khách hàng, mặt hàng và thực hiện phát triển bền vững, xanh hóa, chuyển đổi số, quản trị số.

Chính vì thế, đến hiện nay ngành dệt may cơ bản đã có sự thành công nhất định, đạt mức kim ngạch xuất khẩu 40,3 tỷ USD trong năm 2023. Bước sang năm 2024, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, so với năm 2023 tăng 9,2%.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - ông Trương Văn Cẩm cho biết, trong thời gian tới ngành dệt may có nhiều cơ hội tuy nhiên cũng có nhiều thách thức buộc phải vượt qua.

Ngành dệt may cần làm gì để đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024?
Sang năm 2024, dự báo nền kinh tế trên thế giới có nhiều khó khăn và thách thức, tuy nhiên ngành dệt may Việt Nam vẫn quyết tâm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, so với năm 2022 tăng 9,2%. Nguồn ảnh: Internet

Còn cơ hội hiện nay đó chính là nhu cầu thị trường với sản phẩm dệt may dự kiến sẽ cải thiện hơn trong năm 2023. Lý do là vì tình hình kinh tế ở các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi.

Song song với đó mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam hiện nay đã giảm đáng kể, giúp giảm sức ép chi phí lãi vay lên các doanh nghiệp. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ hiện nay có thể được kéo dài trong năm 2024. Đáng chú ý, chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, thách thức đối với ngành dệt may trong năm 2024 vẫn còn rất lớn. Theo ông Cẩm, ngành dệt may sẽ phải đối diện với một loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) cùng với CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như chiến lược thời trang bền vững thay cho thời trang nhanh hay chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; Luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức,... Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA) đối với ngành sợi.

Mặt khác thì tăng trưởng kinh tế thế giới trong thời gian 2 năm tới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó thì tâm điểm chính là xung đột ở khu vực Trung Đông cùng với những chính sách kiềm chế lạm phát của một số nước.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, TS. Cấn Văn Lực cho biết, đơn hàng xuất khẩu còn giảm mặc dù đang bớt đi, chi phí đầu vào vẫn còn cao. Ngoài ra, rủi ro nghĩa vụ trả nợ còn cao, rủi ro về lãi suất và tỷ giá giảm. Song song với đó, xu hướng chuyển đổi số và kinh doanh tuần hoàn diễn ra nhanh là những vấn đề đặt ra đối với ngành dệt may trong thời gian sắp tới.

Chính vì thế, để đáp ứng được các yêu cầu này thì ông Trương Văn Cẩm nêu định hướng, từ nay cho đến năm 2030, ngành dệt may chuyển dần từ trọng tâm phát triển bền vững và kinh doanh tuần hoàn.

Trong đó sẽ đẩy mạnh mô hình phát triển bền vững (PPP-People, Profit, Planet). Chi tiết, đáp ứng nhu cầu lao động và cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập, quan hệ lao động hài hòa; quản trị rủi ro và đa dạng nguồn nguyên phụ liệu cũng như thị trường xuất khẩu, cắt giảm chi phí, tăng trưởng và có lãi; giảm tình trạng rác thải, xử lý và tái sử dụng nước, năng lượng tái tạo, tái sử dụng, tái chế,...

Còn từ năm 2031 đến năm 2035 thì phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó là hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước, tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu, tiêu thụ trong nước bằng những thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Ngành dệt may cần làm gì để đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024?
Ngành dệt may phải chủ động nguồn nguyên liệu, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với những sản phẩm mới. Nguồn ảnh: Internet

Để đạt mục tiêu 44 tỷ USD trong năm 2024, ngành dệt may cần làm gì?

Ngoài sự nỗ lực của Chính phủ, ông Cẩm đề xuất, Nhà nước sớm triển khai gói 120.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi dành cho xây nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ban hành những tiêu chí phù hợp để những người có thu nhập thấp được thụ hưởng chính sách. Cùng với đó là tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là cho những ngành nghề khó đào tạo như là kỹ sư dệt, nhuộm, thiết kế đồng thời cho đổi mới công nghệ, kỹ năng xanh, kỹ năng về chuyển đổi số.

Đại diện của Vitas cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sớm vào cuộc triển khai Quyết định 1643/QĐ-TTg về “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày đến 2030, tầm nhìn 2035” và nhất là Chương trình phát triển bền vững để có thể đáp ứng yêu cầu thị trường thu hút khách hàng.

Ông Cẩm đề xuất: “Đối với gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng cho giảm lãi suất 2% đang triển khai rất chậm ở các ngân hàng thương mại đề nghị Nhà nước nghiên cứu chuyển sang hỗ trợ các dự án chuyển đổi xanh để có thể đáp ứng được các quy định mới của thị trường”.

Cùng với đó là đề nghị bỏ thuế VAT và thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa sản xuất xuất khẩu được quy định ở Nghị định 18/2021/NĐ CP, cho phép các thương nhân nước ngoài có hiện diện hoặc không có hiện diện ở Việt Nam được áp dụng quy định xuất khẩu tại chỗ.

Ngành dệt may cần làm gì để đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024?
Trong bối cảnh sản xuất xanh là tất yếu thì các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, kinh doanh tuần hoàn. Nguồn ảnh: Internet

Giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội và sửa đổi quy định hưởng lương hưu để giảm số lượng lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, sửa đổi quy định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp để có thể tránh lao động nhảy việc, giảm tỷ lệ doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn về tối đa là 1% cũng như giảm tỷ lệ nộp lên công đoàn cấp trên tối đa 15%.

Đối với góc độ quản lý, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, (Bộ Công Thương) - ông Trần Thanh Hải cho biết, Chính phủ đã cam kết với COP26 đến năm 2050 sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 và sản xuất xanh bền vững. Song song với đó, ngành dệt may cũng phải thực hiện điều này nhằm góp phần vào thực hiện cam kết của Chính phủ.

Theo đó, ngành dệt may phải chủ động nguồn nguyên liệu, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với những sản phẩm mới. Chú trọng đầu tư cải tạo nhà máy điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi dần chuyển từ than sang điện. Ở chiều hướng khác, chú trọng đầu tư công nghệ khâu kiểm soát nguyên liệu cho đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất.

TS. Cấn Văn Lực đưa ra khuyến cáo, các doanh nghiệp trong ngành dệt may cần cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro dòng tiền và rủi ro lãi suất, tỷ giá; chủ động tìm hiểu và tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ (nhất là những gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí và tín dụng,... Trong bối cảnh sản xuất xanh là tất yếu thì các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, kinh doanh tuần hoàn. Cùng với đó là thực thi chiến lược chuyển đổi số gắn liền với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu cho đến kiểm soát rủi ro.