Tình hình tại dải Gaza trong những ngày qua trở nên căng thẳng với việc tăng cường những cuộc tấn công nhắm tới các tàu chở hàng trên Biển Đỏ.

Ngày 19/12/2023, hãng vận tải A.P Moller-Maersk và công ty dầu khí như BP Plc tuyên bố sẽ tạm dừng việc vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez thuộc khu vực Biển Đỏ hoặc chuyển sang các tuyến đường vận tải biển dài hơn trước những cuộc tấn công của nhóm vũ trang Houthi, Yemen.

Nhóm vũ trang Houthi thuộc Yemen đưa ra lời tuyên bố rằng các cuộc tấn công diễn ra nhằm ủng hộ người Palestine trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Điều này buộc Mỹ và các nước đồng minh phải triển khai một lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia và đưa các tàu quân sự vào tham chiến nhằm bảo vệ tuyến đường giao thương quan trọng này.

Các động thái của nhóm vũ trang Houthi thuộc Yemen đã làm tăng thêm rủi ro đối với các chuỗi cung ứng hàng hóa qua kênh đào Suez, nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải, nơi có khoảng 15% lưu lượng vận chuyển hàng hải toàn cầu, đồng thời là con đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Á với châu Âu.

Sự kiện gián đoạn tại kênh đào Suez: Cổ phiếu nhóm vận tải biển được hưởng lợi?
Chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp nhiều thách thức do những bất ổn tại khu vực Biển Đỏ

Cơ quan quản lý Kênh đào Suez cho biết, trong cùng kỳ năm 2022 có khoảng 2.128 con tàu đi qua kênh đào này mỗi tháng. Tuy nhiên, hiện có khoảng 55 con tàu phải chấp nhận chuyển hướng đi qua mũi Hảo Vọng, trong khi nhiều hãng vận tải lớn thông báo tạm dừng khai thác tuyến đường thủy này.

Bên cạnh đó, nhiều hãng tàu biển lớn như Hapag Lloyd, MSC và Maersk cũng đã tuyên bố tạm dừng vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez và lựa chọn đường đi qua mũi Hảo Vọng, làm phát sinh thêm chi phí cũng như gây ra sự chậm trễ ít nhất 10 ngày so với lộ trình ban đầu. Theo ước tính, chi phí phát sinh cho mỗi tàu lên tới 400.000 - 1.000.000 USD (theo BenHakoun).

Theo thông tin CNBC ghi nhận được từ các nhà quản lý logistics cho biết, giá cước cho một container 40 feet đi từ Thượng Hải đến Anh đã chạm mức 10.000 USD. Trong khi đó, giá cước của tuần trước cho loại này chỉ 2.400 USD.

Sự kiện gián đoạn tại kênh đào Suez: Cổ phiếu nhóm vận tải biển được hưởng lợi?
Kênh đào Suez là con đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu với châu Á

Theo đánh giá tại Báo cáo phân tích mới đây của CTCK Dầu khí (PSI) cho rằng, yếu tố này sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới giá cước vận tải đối với nhiều loại tàu như tàu container, tanker, tàu chở hàng rời.

PSI cho rằng, sự kiện này sẽ tạo ảnh hưởng xấu tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt vấn đề này sẽ trở nên trầm trọng hơn khi đây là thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu dùng trên toàn thế giới có xu hướng tăng cao. Chuyên gia phân tích PSI cho biết, việc vận chuyển hàng hóa bằng các tàu hàng hải sẽ còn gặp nhiều trở ngại và phụ thuộc vào tình hình chiến sự thực tế tại dải Gaza.

Bên cạnh đó, tình hình bất ổn cũng làm giá dầu Brent tăng khoảng 6,7% trong 2 tuần vừa qua, tiến sát mốc 80 USD/thùng. Trong đó, khu vực châu Âu được cho là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi kênh đào Suez bị gián đoạn, bởi 1/4 lượng dầu nhập khẩu tại đây đều đi qua kênh đào này. Ông lớn dầu mỏ BP (Anh) đã quyết định tạm dừng tất cả các tuyến hàng qua Biển Đỏ, chấp nhận chuyển sang tuyến đường qua Mũi Hảo Vọng.

“Trong ngắn hạn, dự báo giá dầu và giá cước vận tải biển toàn cầu sẽ tăng, từ đó tạo ra tâm lý tích cực lên các cổ phiếu thuộc nhóm vận tải biển như PVTrans (PVT), Tập đoàn Container Việt Nam (VSC) và Công ty Hải An (HAH)”, báo cáo phân tích của PSI cho hay.

Trong đó, PVT là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải dầu khí bằng đường biển. Công ty vận tải dầu thô, xăng cùng các sản phẩm hóa dầu. Còn VSC hoạt động chủ yếu trong mảng dịch vụ đại lý container, đại lý tàu biển và môi giới hàng hải,...

Còn HAH được biết đến là một doanh nghiệp lớn trong ngành cảng biển với vốn điều lệ hơn 703 tỷ đồng. Doanh nghiệp này hiện đang sở hữu 3 công ty con hoạt động trong lĩnh vực liên quan tới khai thác container gồm: khai thác cảng, vận tải hàng hóa đường thủy và kho bãi container. Trong giai đoạn 2021 - 2022, HAH là một trong những đơn vị được chú ý khi giá cước tăng cao kỷ lục và tình trạng khan hiếm container rỗng mùa cao điểm đại dịch Covid-19.

Sự kiện gián đoạn tại kênh đào Suez: Cổ phiếu nhóm vận tải biển được hưởng lợi?
Trong ngắn hạn, dự báo giá dầu và giá cước vận tải biển toàn cầu sẽ tăng, từ đó tạo ra tâm lý tích cực lên các cổ phiếu thuộc nhóm vận tải biển

Ngoài ra, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, các công ty vận tải biển cũng đang được hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô khác. Theo VDSC, giá cước tàu chở dầu thô và tàu chở LPG đang có xu hướng tăng do nhu cầu đi lại tăng cao cũng như hoạt động nhập khẩu dầu thô và LPG tăng mạnh từ Mỹ và Nga.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang được mở rộng nhờ nhập khẩu dầu thô rẻ từ Nga. Do đó, nhu cầu vận chuyển các sản phẩm hóa dầu từ các nước này đến các quốc gia châu Á khác cũng như EU và Mỹ gia tăng.

Kênh đào Suez dài 192km, là tuyến đường thủy ngắn nhất kết nối khu vực châu Á và châu u với khoảng 12% lượng giao thông đường thủy phải đi qua khu vực này. Kênh đào Suez là một trong số 7 nút thắt quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là dầu trên thế giới.

Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tính đến hết 1H2023, bình quân 9,2 triệu thùng dầu/ngày được vận chuyển qua kênh đào Suez. Con số này tương đương với 9% nhu cầu tiêu thụ dầu trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, khoảng 4% lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), hay 391 Mt trong năm 2023 cũng được vận chuyển qua tuyến đường thủy này. Theo đó, việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn và các chuyến tàu phải vận chuyển vòng qua điểm cực Nam của Châu Phi sẽ làm đội giá chi phí cũng như tăng thời gian vận chuyển hàng hóa lên từ 7 - 14 ngày.

Sự gián đoạn giao thông qua kênh đào Suez có thể ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu do gây ra sự chậm trễ trong việc cung cấp các tài nguyên thiết yếu này.