Sự kiện Hà Nội mở cửa cho du khách tham quan trải nghiệm các di sản công nghiệp như Tháp nước Hàng Đậu, nhà máy xe lửa Gia Lâm,… thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân là thành công bước đầu, đã và đang cho thấy tiềm năng và cơ hội to lớn cho sự chuyển đổi này.

Chuyển đổi sáng tạo

Trên thế giới, việc chuyển đổi công năng các di sản đô thị hay di sản công nghiệp thành các tổ hợp sáng tạo không còn xa lạ, thế nhưng tại Việt Nam còn khá mới mẻ. Việt Nam hiện có chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô và điều này đã và đang để lại những di sản công nghiệp giàu tiềm năng. Việc cải tạo di sản công nghiệp như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Bốt Hàng Đậu thành những điểm nhấn văn hóa nghệ thuật độc đáo cho thấy tầm nhìn chuyển đổi sáng tạo có giá trị bền vững thu hút du khách và người dân Hà Nội.

Tái tạo đô thị gắn với giá trị văn hóa
Nhà máy xe lửa Gia Lâm là điểm nhấn sáng tạo trong tuyến trải nghiệm về các di sản công nghiệp của Hà Nội. Ảnh: Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội

TS Vương Hải Long - Trưởng Khoa Kiến trúc (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho rằng sẽ có quỹ đất rộng lớn từ việc nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp của Thủ đô Hà Nội nằm trong diện phải di dời ra khỏi nội đô ví như các công trình Nhà máy Công cụ số 1, Nhà máy Dệt 8/3… mà bị phá bỏ là điều rất đáng tiếc. Bởi, di sản công nghiệp nơi đây là minh chứng cho thời kỳ khó khăn của lịch sử dân tộc và đã để lại dấu ấn trong lòng người dân Thủ đô đó là các nhà máy, công xưởng từ thời Pháp thuộc cho tới giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Bằng việc tái thiết lại các cơ sở sản xuất này thành các tổ hợp sáng tạo chúng ta sẽ vừa giữ được ký ức vừa tạo ra những giá trị mới đem lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ủy ban Quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp định nghĩa di sản công nghiệp là những gì còn lại của “văn hóa công nghiệp” tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp như tòa nhà, công xưởng, máy móc, hầm mỏ, địa điểm chế biến, nhà kho và cửa hàng, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất,… Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung mang nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn về lịch sử, xã hội, khoa học và giá trị thẩm mỹ.

Tái tạo đô thị gắn với giá trị văn hóa
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh Người đưa tin

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì không gian sáng tạo có khả năng tái tạo đô thị là giải pháp hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa xã hội. Theo ông Sơn, xây dựng đô thị sáng tạo là xây dựng một thành phố đáng sống với các không gian mở dành cho cộng đồng. Trong đó, luôn và liên tục có sự đổi mới, sáng tạo hướng đến để nâng cao chất lượng đời sống con người. Hà Nội những năm gần đây đã xúc tiến nhiều hoạt động thúc đẩy việc hình thành các không gian sáng tạo trong lòng đô thị với 115 “điểm đến” và hàng loạt đề án cho tương lai.

Mở hướng phát triển đô thị

Khẳng định quá trình tái thiết cần phải có không gian cho sự sáng tạo bảo đảm lợi ích của cộng đồng và người dân, TS.KTS Vương Hải Long - Trưởng khoa Kiến trúc (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, Thành phố Hà Nội cần phải xây dựng lộ trình lập quy hoạch cho việc chuyển đổi chức năng các công trình, nhà máy cũ. Điều này vừa để bảo đảm lưu lại những ký ức lịch sử văn hoá vừa đáp ứng yêu cầu của xã hội hiện đại.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Đinh Thị Hải Yến khẳng định sự quan trọng của vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều phối, xây dựng các quy hoạch, thẩm định giá trị của các di sản công nghiệp; đồng thời giải quyết mâu thuẫn về bảo tồn và phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái thiết các di sản công nghiệp.

Tái tạo đô thị gắn với giá trị văn hóa
TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh Kinh tế đô thị

TS.KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh cần phải pháp lý hóa khái niệm di sản công nghiệp, đồng thời kiện toàn Luật Di sản Văn hóa và bổ sung các văn bản pháp lý cần thiết bao gồm bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang và mở rộng công trình di sản. Các cấp độ được luật hoá rõ từ mức công trình di sản, di tích cần được bảo tồn nguyên trạng; có thể được cải tạo, chuyển đổi chức năng, chỉnh trang, hoặc mở rộng nhưng vẫn giữ lại giá trị bản sắc cơ bản; công trình có thể được phục hồi lại theo thời kỳ ban đầu hoặc theo tình trạng vào một thời kỳ lịch sử có ý nghĩa quan trọng; đã bị hư hại có thể được tái thiết lại theo nguyên mẫu thiết kế ban đầu hoặc có thể bổ sung thêm nâng tầm bản sắc. Về mặt trách nhiệm bảo vệ di sản, theo ông Sơn cần quy định lãnh đạo của mỗi tỉnh thành phải chịu trách nhiệm, cập nhật thường xuyên tình trạng các công trình di sản công nghiệp và đề ra phương thức bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang, và phát triển tương ứng với từng loại.

Nhìn rộng ra trên thế giới, di sản công nghiệp đã được nhiều quốc gia đã quan tâm phát huy và bảo tồn, kiến thiết lại thành những công viên giải trí, văn hóa góp phần phát triển công nghiệp văn hóa. Những mô hình này được đánh giá là yếu tố giúp cải thiện môi trường sống cho cư dân, có giá trị to lớn và tác động tích cực cho cộng đồng. Trong một nghiên cứu về đô thị sáng tạo của Viện Nghiên cứu Brooking (Mỹ) đã kết luận rằng, đô thị sáng tạo là trọng tâm của các chiều kích tăng trưởng khi đô thị sáng tạo là nơi hội tụ các ngành nghề khác nhau để hướng tới mục tiêu hợp tác đa ngành.

Nhiều khu đô thị sáng tạo trên thế giới đã thành công phải kể đến như thành phố Boston (Mỹ), khu thành phố đại học Philadelphia (Mỹ), khu Imperial West (London), Siam (Siam Innovation District - Bangkok, Thái Lan),... Có thể thấy, không gian sáng tạo có vai trò đặc biệt quan trọng đối với một đô thị và nhất là khi việc tái tạo này gắn với giá trị văn hoá.