Thách thức trong tiếp cận vốn doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ảnh minh họa.

“Rào cản” khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn

Về hoạt động tiếp cận vốn của doanh nghiệp, theo thống kê từ năm 2022, vốn tín dụng chiếm khoảng 47- 48%; vốn tự có, vốn chủ sở hữu thì đâu đó chỉ 10% là tiền thực được góp vào để sản xuất kinh doanh, còn lại là thiếu...

Về quy mô, dư nợ từ kênh tín dụng ngân hàng với DNNVV tại Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 20%, con số này cao hơn trung bình so với khu vực châu Á (khoảng 17%). Lĩnh vực cho thuê tài chính ở Việt Nam có 10 công ty nhưng vẫn chưa phát triển được và tổng dư nợ cho thuê tài chính mới khoảng 40.000 tỷ đồng, chỉ bằng một công ty tài chính tiêu dùng.

Sắp tới, chúng ta cần phải quan tâm thúc đẩy hơn nữa để kênh này trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, giúp các doanh nghiệp có thể thuê máy móc, thiết bị, thậm chí cả máy bay phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về khó khăn, thách thức trong tiếp cận vốn của khu vực DNNVV có một số điểm chính như sau: Một là, rủi ro bị coi là cao hơn so với doanh nghiệp cỡ lớn hoặc các doanh nghiệp khác, bởi vì thông tin, số liệu báo cáo tài chính còn thiếu công khai, minh bạch, nhiều sổ sách,...

Hai là, luôn luôn thiếu tài sản đảm bảo, trong bối cảnh thông tin thiếu minh bạch mà hiện tượng hình sự hóa quan hệ kinh tế lại phổ biến ở Việt Nam, nên nếu thất thoát xảy ra, không có tài sản đảm bảo thì cả doanh nghiệp và ngân hàng đều phải chịu trách nhiệm, chưa kể khâu quản trị doanh nghiệp còn phải tiếp tục tăng cường hơn nữa.

Ba là, mức độ định hạng tín nhiệm doanh nghiệp chưa có. Việt Nam vẫn chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm các DNNVV. Tới đây, khi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sẽ bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm.

Bốn là, yêu cầu nhiều về vốn tối thiểu và dự phòng rủi ro, nghĩa là khi TCTD cho vay với DNNVV thì rủi ro cao hơn, buộc tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng nhiều hơn dẫn đến họ đòi hỏi lãi suất cao hơn.

Năm là, chúng ta chưa có nhiều nguồn vốn thay thế như các nguồn vốn trực tuyến.

Theo khảo sát của chúng tôi, trên đây là những nguyên nhân, rào cản gây khó khăn đối với DNNVV trong huy động vốn. Đáng chú ý là hiện nay rất nhiều doanh nghiệp chưa muốn niêm yết trên sàn chứng khoán, bởi vì doanh nghiệp ngại công khai, minh bạch; đồng thời phải tăng chi phí về việc tuân thủ các quy định về niêm yết. Nhưng có điều doanh nghiệp nên cân nhắc, là khi được lên sàn thì sẽ có tác dụng rất lớn, có thêm kênh huy động vốn lớn.

Kiến nghị giải pháp

Từ những thách thức nêu trên, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV như sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi năm 2022-2023, thực hiện tốt các chính sách giải pháp tiền tệ và tài khóa đã ban hành, giải ngân đầu tư công và đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh, thực thi công vụ.

Thứ hai, hoàn thiện hành lang pháp lý, cho phép các TCTD thực hiện cả bao thanh toán, chiết khấu “miễn truy đòi” như thông lệ (khi sửa Luật các TCTD), có cơ chế thử nghiệm cho Fintech, cho vay ngang hàng (P2P), sửa Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ ba, phát triển thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; quỹ đầu tư; xem xét thành lập sàn giao dịch vốn riêng cho các DNNVV như tại Ấn Độ, Nam Phi... và sớm thành lập thị trường mua - bán nợ.

Thứ tư, phát triển hệ thống cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, các nguồn vốn trực tuyến như Fintech, gọi vốn cộng đồng, cho thuê tài chính, cho vay tiêu dùng.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả quỹ phát triển DNNVV, củng cố và phát triển hệ thống bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Thứ sáu, đẩy mạnh giáo dục tài chính cho doanh nghiệp và người dân.

Về phía DNNVV, cần tìm hiểu tiếp cận các chương trình chính sách hỗ trợ, tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tài trợ chuỗi cung ứng; tăng tính minh bạch và chuyên nghiệp; chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về tài chính kế toán; nâng cao trình độ quản trị, minh bạch thông tin tài chính; đa dạng hóa nguồn vốn chủ động; tìm hiểu về tài chính tín dụng, nhất là các sản phẩm như cho thuê tài chính, tài trợ cho cung ứng huy động vốn trên nền tảng công nghệ hợp pháp và phấn đấu niêm yết phát hành chứng khoán.

Song Linh