Tín hiệu khả quan toàn ngành

Các doanh nghiệp vừa trải qua một mùa báo cáo tài chính nữa, ở mỗi nhóm ngành, lĩnh vực đã có sự thay đổi rõ rệt trong kết quả kinh doanh. Đối với ngành hàng không sự phục hồi tích cực hơn hẳn, nhưng lĩnh vực vận tải hàng không vẫn tồn đọng nhiều vấn đề.

Vietjet đưa ra báo cáo tài chính quý III/2023 ghi nhận trong 9 tháng đầu năm nay doanh thu thuần đạt hơn 43,7 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng.

Đặc biệt số lượng khách quốc tế sử dụng hãng bay này tiếp tục tăng. Theo số liệu thống kê, trong 9 tháng hãng đã vận chuyển hơn 5,9 triệu lượt khách quốc tế. Riêng trong quý 3/2023, khách quốc tế đang góp hơn 57% tổng doanh thu và 35% lượt khách của hãng.

Ngoài ra, Vietjet đã bổ sung thêm các chuyến bay nâng số máy bay khai thác lên 103 chiếc. Tại thị trường quốc tế, Vietjet cũng khai thác thêm nhiều đường bay mới và tăng số đường bay.

Cụ thể, hãng đã mở 5 đường bay kết nối Việt Nam - Australia, các đường bay với Ấn Độ… Tính đến thời điểm hiện tại Viejet đang là một trong những hãng bay có số lượng chuyến bay nhiều nhất khi khai thác 80 đường bay quốc tế và 45 đường bay nội địa.

Đối với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng có những thông tin khả quan trong 9 tháng đầu năm nay. Tính trong quý III/2023, doanh thu của hãng đạt hơn 23,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy doanh thu của hãng đã có 8 quý tăng liên tiếp đưa mức lãi gộp về hơn 1,2 nghìn tỷ đồng trong quý. Lũy kế 9 thángđầunăm, Vietnam Airlines đạt tổng doanh thu hơn 68 nghìn tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ năm trước, lãi gộp hơn 4,1 nghìn tỷ đồng.

Lãnh đạo của hãng hàng không quốc gia cho biết doanh thu được cải thiện đáng kể là nhờ vào lượng khách quốc tế đã tăng trở lại. Đặc biệt, lượng khách từ khu vực châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt, dù thị trường nội địa có xu hướng giảm. Đồng thời, hãng cũng áp dụng một số giải pháp cắt giảm chi phí không cần thiết, giảm giá dịch vụ nên mức lỗ hợp nhất vẫn giảm so với các năm trước.

Vì sao giá vé máy bay vẫn cao trong khi ngành đã phục hồi?
Tình hình của các hãng hàng không đã khá hơn

Nguồn lực cạn kiệt

Mặc dù tín hiệu của toàn ngành đã có sự phục hồi khi đối chiếu với những con số trong báo cáo tài chính, nhưng trên thực tế các hãng hàng không vẫn phải đối mặt với những khó khăn.

Ví dụ như việc giá nhiên liệu bay tăng gần gấp đôi ở thời điểm hiện tại so với trước đây ở thời điểm Covid 19 xảy ra (khoảng 114 USD/thùng). Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, lũy kế 9 tháng năm 2023, sau khi đã hạch toán trừ đi mọi chi phí thì hãng vẫn lỗ hợp nhất sau thuế hơn 3,5 nghìn tỷ đồng.

Lượng tiền lỗ này tuy vẫn còn nhưng đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2022, nguyên nhân khiến số lỗ giảm là do hoạt động vận tải hàng không của hãng Vietnam Airlines và Pacific Airlines đã được cải thiện đáng kể.

Ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết, sau 9 tháng đầu năm mọi hoạt động kinh doanh của hãng đã có dấu hiệu tích cực hơn nhưng khó khăn vẫn hiện hữu trước mắt.

Trong đó, tại thị trường trọng điểm ở khu vực Đông Bắc Á lượng khách vẫn chưa phục hồi trở lại. Trong khi thị trường nội địa giá dầu, tỷ giá đều ở mức cao… đã khiến cho hoạt động thu chi của hãng mất cân đối và thiếu hụt nguồn tiền.

Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành và các vấn đề nội tại, Bamboo Airways đang trong quá trình tái cơ cấu mạnh mẽ. Mới đây, hãng đã thông báo tạm dừng khai thác một số đường bay quốc tế từ nay tới cuối tháng 3/2024.

Cụ thể, trong tháng 10 vừa qua, Bamboo Airways đã tạm dừng khai thác đường bay đến Anh, Hàn Quốc; trong tháng 11 này dừng thêm các đường bay tới Australia, Đức, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Nhật Bản.

Vì sao giá vé máy bay vẫn cao trong khi ngành đã phục hồi?
Sự khó khăn đến từ nguồn lực cạn kiệt

Hãng đã đưa ra cam kết đảm bảo quyền lợi cho khách đã mua vé đường bay tạm dừng khai thác và giải quyết hợp lý mọi quyền lợi cho khách hàng.Đối với những chặng bay khác, Bamboo Airways vẫn khai thác bình thường.

Với tình hình khó khăn trước mắt, trong quý 3/2023, Vietjet đã đẩy nhanh tiến độ thỏa thuận sơ bộ với 3 nhà đầu tư trong nước cam kết đầu tư 100 triệu USD cho hãng.

Đây là nguồn tài chính sẽ hỗ trợ bổ sung cho kế hoạch phát triển của hãng. Dự kiến những thoả thuận này sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Sắp tới, Vietjet cũng có kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp trị giá 3 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn 60 tháng.

Khoản tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu này sẽ được dùng để chi trả các chi phí như xăng dầu, dịch vụ mặt đất, điều hành bay, kỹ thuật, bảo hiểm, thanh toán đặt cọc máy bay và các chi phí khác.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2023 của Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Hiện tại, các hãng hàng không đều nợ chưa thanh toán các chi phí sân bay. Trong đó, Vietnam Airlines nợ hơn 1,8 nghìn tỷ đồng, Vietjet nợ hơn 3,4 nghìn tỷ đồng, Bamboo Airways nợ hơn 2 nghìn tỷ đồng, Pacific Airlines nợ hơn 800 tỷ đồng, Vietravel Airlines hơn 200 tỷ đồng…

Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, trước mắt hãng đã hoàn thành Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021- 2025, trình đại hội cổ đông và các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, trong các năm tiếp theo hãng sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng khó khăn đang diễn ra.

Một chuyên gia hàng không nhậnđịnh khi các hãng hàng không gặp khó khăn thì hành khách là người chịu thiệt lớn nhất. Những năm trước khi xảy ra dịch thì các hãng liên tục có các đợt khuyến mãi, mức giá vô cùng cạnh tranh.

Tuy nhiên, năm nay giá vé đa phần được giữ nguyên không có các đợt khuyến mại hay giảm giá nữa. Trước đây, tháng 11 là giai đoạn thấp điểm, để mua vé nội địa có giá dưới 1 triệu đồng/chiều rất dễ, nhưng năm nay đa phần khách phải mua từ 1,5 - 2 triệu đồng/chiều trở lên mới được bay.

Trong giai đoạn Tết Nguyên đán sắp tới, giá vé cũng khó có cơ hội giảm. Những chặng bay chủ yếu và đông khách như từ TP. Hồ Chí Minh ra Bắc trước Tết và ngược lại dịp sau Tết hiện giá vé đang được bán gần 4 triệu đồng/chiều trở lên (khứ hồi từ 8 đến 10 triệu đồng/vé).

Vì sao giá vé máy bay vẫn cao trong khi ngành đã phục hồi?
Các hãng đang cố gắng để khắc phục tình hình hiện tại

Cũng theo chuyên gia này, giá vé tăng là do chi phí nhiên liệu tăng, các chi phí bến đỗ, thuê tàu bay không rẻ… Một nguyên nhân nữa khiến cho các hãng cạn kiệt nguồn lực là phải chống chọi với ba năm Covid không có khách. Vì thế, các hãng không thể tung ra chương trình khuyến mại, giảm giá để hút khách nội địa nữa.

Mặc dù lượng khách quốc tế đã phục hồi nhưng tốc độ còn chậm, nhưng không vì thế mà cắt mất chuyến bay để giữ giờ cất/hạ cánh ở các sân bay nước ngoài. Thực tế này dẫn tới các hãng phải cắt giảm bay nội địa để tiết kiệm chi phí, ưu tiên đường bay quốc tế, chuẩn bị cho đà tăng trưởng mạnh trong các năm tới.

Hiện nay, các hãng bay đang hi vọng vào những chính sách của Nhà nước để có thể cải thiện tình hình hiện tại, mang lại cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.