Hàng xuất khẩu của Việt Nam thuộc top đầu thế giới

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ trong những năm gần đây để trở thành một trung tâm sản xuất lớn của thế giới với khả năng cung ứng nhiều loại mặt hàng cạnh tranh về giá cả và chất lượng.

Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu ghi nhận kim ngạch không ngừng tăng. Bên cạnh đó, vị thế của hàng Việt trên trường quốc tế cũng được cải thiện nhờ việc nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới về da giày, đứng thứ 3 về dệt may và thứ 5 về gỗ và sản phẩm từ gỗ. Ngoài ra, nước ta cũng là nhà cung cấp cà phê top 3 thế giới, thứ 3 về gạo và thứ nhất về hạt điều và hạt tiêu. Nhờ cung ứng lượng hàng lớn ra thế giới mà Việt Nam đã thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Việt Nam trên đà trở thành cứ điểm sản xuất mới của toàn cầu
Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt top 1 thế giới

Mới đây, các tập đoàn hàng đầu thế giới như: Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ); Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico); IKEA (Thụy Điển) cùng nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp tham gia mua hàng Việt tại sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” do Bộ Công Thương tổ chức. Theo nhận định chung của các tập đoàn, Việt Nam là địa điểm chiến lược trong kế hoạch tái cơ cấu chuỗi cung ứng.

Mặc dù cơ hội rất lớn nhưng vẫn có nhiều thách thức. Bởi lẽ ngoài các mặt hàng tham gia vào các thị trường lớn thì vẫn còn nhiều mặt hàng chưa đáp ứng tiêu chí về nguồn gốc, chất lượng, đặc biệt là về môi trường, chống suy thoái rừng, cắt giảm phát thải carbon…

Trung tâm sản xuất mới của thế giới

Samsung Việt Nam đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Samsung quy mô 220 triệu USD, 16 tầng nổi và 3 tầng hầm với diện tích 11.600 m2 tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội vào cuối năm ngoái. Đây là toà nhà cao tầng có quy mô lớn chuyên về phát triển công nghệ đầu tiên tại Việt Nam với doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đứng sau.

Ban Quản lý Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội vừa qua cũng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án cho Công ty TNHH Inventec Technology Việt Nam. Dự án này có tổng vốn đầu tư 125 triệu USD, quy mô 16,1 ha. Như vậy, nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm cho xuất khẩu như máy chủ, điện thoại thông minh, bảng mạch điện tử, thiết bị ngoại vi máy tính, hay đầu chuyển các thiết bị thông minh khác.

Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn dự án rót vốn vào Việt Nam. Điều này cho thấy ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ vẫn là điểm sáng để Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất lớn. Ngoài ra, đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng sâu hơn. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tận dụng cơ hội.

Theo Đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, khi tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam gặp khó khăn khi đáp ứng giá theo yêu cầu bởi chi phí sản xuất cao. Ngoài ra, đa số doanh nghiệp nhỏ chỉ đáp ứng được đơn nhỏ, khó đáp ứng đơn hàng lớn đúng hạn…

Theo gần 60% số doanh nghiệp FDI, họ gặp khó đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa nhằm hưởng các ưu đãi thương mại vì gặp phải những vấn đề về năng lực hay chất lượng của doanh nghiệp trong nước.