Xuất khẩu phục hồi còn chậm

Tạp chí Kinh doanh và Phát triển dẫn lại Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 10 nói riêng và 10 tháng đầu năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng tháng 10/2023 đạt 61,62 tỷ USD, so với tháng 9/2023 đã tăng 4,1% và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu đã giảm 9,6% so với cùng kỳ và đạt 558 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu giảm 7,1% so với cùng kỳ còn nhập khẩu giảm 12,3%. Được biết, xuất khẩu của 10 tháng đầu năm 2022 đạt 313,5 tỷ USD còn nhập khẩu đạt 303,9 tỷ USD.

Xuất nhập khẩu năm 2023 khó vượt mức 700 tỷ USD
Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu đã giảm 9,6% so với cùng kỳ và đạt 558 tỷ USD. Ảnh minh họa

Sau khi xuất khẩu sụt giảm trong tháng 9 đã lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 10/2023 với 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng liền trước, đồng thời tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Liên quan đến vấn đề này, phía Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu những mặt hàng chính trong tháng 10/2023 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ, chủ yếu là nhờ sự phục hồi ở phía cầu cũng như mức nền tương đối thấp trong các tháng cuối năm ngoái.

Tháng 10/2023, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng tiếp tục phục hồi ấn tượng, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,6%. Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm hàng này đã giảm 8,3% so với cùng kỳ, đạt 247,34 tỷ USD, chủ yếu vì kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm đều giảm. Đáng chú ý, có ít nhất 2 ngành hàng xuất khẩu đạt trên chục tỷ USD là dệt may và giày dép chắc chắn ghi nhận tăng trưởng âm. 10 tháng qua, xuất khẩu dệt may đã giảm 12,5% còn giày dép giảm 20,2%.

Đáng chú ý, xuất khẩu điện thoại các loại cùng linh kiện đã giảm 12,6% và đạt 44,02 tỷ USD. Ngoài ra, xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 7,1% và đạt 35,51 tỷ USD; xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 19,9% so với cùng kỳ, đạt 10,8 tỷ USD.

Chỉ có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước, điển hình như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã tăng nhẹ 0,7%, đạt 47 tỷ USD; phương tiện vận tải và phụ tùng ghi nhận mức tăng 18,1%, đạt 11,58 tỷ USD. Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn còn chậm.

Xuất nhập khẩu năm 2023 khó vượt mức 700 tỷ USD
Chỉ có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước, điển hình như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Ảnh minh họa

Xét về nhập khẩu, nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất trong tháng 10 đạt 26.09 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, nhập khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 8,2 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ; nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 2,4% và đạt 3,5 tỷ USD; nhập khẩu vải các loại tăng 8% còn thép các loại tăng 35,2%; nhập khẩu xăng dầu các loại tăng 44,8%...

Lũy kế 10 tháng đầu năm, nhập khẩu đã giảm khoảng 37 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu, Việt Nam trong tháng 10/2023 đã xuất siêu 3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 10 tháng đầu năm nay lên mức 24,61 tỷ USD.

Cột mốc 700 tỷ USD: Bài toán khó nhằn

Theo Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm vẫn khó khăn vì cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt, sự bất định tăng lên, kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp.

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Thương vụ đang tiến hành đẩy mạnh kết nối các nhà mua hàng của nước này với các doanh nghiệp Việt, từng bước hỗ trợ đưa nhiều sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối của Hoa Kỳ.

Xuất nhập khẩu năm 2023 khó vượt mức 700 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương, xuất nhập khẩu trong những tháng cuối năm vẫn khó khăn vì cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng gay gắt. Ảnh minh họa

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nhận định, các doanh nghiệp vẫn mong muốn Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thương mại xem xét về việc giảm thiểu điều kiện vay vốn, càng cắt giảm điều kiện cho vay, doanh nghiệp càng dễ dàng tiếp cận và nâng tổng số vốn vay. Hiện tại, mục tiêu mấu chốt là phải “sưởi ấm” tổng cầu, các doanh nghiệp phải giải phóng được tồn kho mới có được dòng tiền để kinh doanh. Vì thế, các doanh nghiệp nên tham gia những chương trình kết nối, giảm giá và khuyến mại trên các địa bàn trên toàn quốc.

Theo Bộ Công Thương, Bộ sẽ đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, bao gồm cả việc hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...), giúp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Ngoài ra, hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ Công Thương còn phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc để mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho nhiều mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.