Tuần vừa qua, VN-Index tiếp tục chinh phục mốc tâm lý quan trọng 1.100 điểm lần thứ 5. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trong tuần vừa qua đều nằm dưới mức trung bình 20 ngày, chứng tỏ nhà đầu tư vẫn đang tỏ ra thận trọng.

Chứng khoán tuần từ 4-8/12: Thị trường đang có nhiều tín hiệu khả quan?
Các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư cần thận trọng, có thể cân nhắc nhịp hồi phục để chốt lời. Ảnh minh họa

Trong tuần giao dịch từ ngày 27/11 - 1/12/2023, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 6,55 điểm (tương đương 0,6%), đóng cửa tại 1.102,16 điểm, qua đó dứt mạch giảm điểm 2 tuần liên tiếp.

Tính chung trong cả tháng 11/2023, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.091,13 điểm, tăng 6,4%, chấm dứt chuỗi 2 tháng giảm liên tiếp. Nhìn tổng thể cả tháng 11, dù phần lớn thời gian thị trường đi ngang tích lũy nhưng độ rộng thị trường ghi nhận mức tăng trên diện rộng.

HNX-Index có diễn biến tương tự tích lũy ở vùng giá trung bình quanh 225 điểm. Kết tuần HNX-Index ở mức 226,26 điểm, tăng nhẹ 0,07% so tuần trước.

Trong tuần, thanh khoản trên HOSE chỉ đạt 65.271,74 tỷ đồng, giảm mạnh 28,9% so với tuần trước, khối lượng giao dịch cũng giảm 28,9%, dưới mức trung bình, thể hiện phần nào tâm lý thận trọng khi thị trường duy trì tích lũy kéo dài. Thanh khoản HNX giảm 31,4% với 7.659,19 tỷ đồng được giao dịch.

Khối ngoại bán ròng 752 tỷ đồng trong tuần vừa qua, đây cũng là tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp của khối ngoại. Tính lũy kế kể từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng 13.041 tỷ đồng. Như vậy, mạch bán ròng của khối ngoại kể từ tháng 4 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu quay đầu.

Như vậy, thị trường chứng khoán đã bước vào tháng cuối cùng của năm 2023 với một phiên tăng vào đầu tháng nhờ lực hồi cuối phiên. Các thông tin quan trọng chờ đợi quyết định cuối cùng tại kỳ họp Quốc hội cũng đã lộ diện chính thức. Nhiều thông tin khá tích cực như tiếp tục giảm thuế VAT đến 30/6/2024; thông qua Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi)… hay việc Ngân hàng Nhà nước “cân lại” chỉ tiêu tín dụng các ngân hàng… đã được thị trường đón nhận, nhưng sự phản ứng lại không nhiều. Trong khi đó, tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trong khi PMI tháng 11 của Việt Nam giảm xuống mức thấp của 5 tháng là 47,3 điểm trong tháng 11, so với 49,6 điểm của tháng 10.

Bên cạnh đó, tháng cuối năm thường có sự sôi động hơn khi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế cũng vào chặng nước rút. Nhìn một cách tổng thể, tình hình vĩ mô trong nước mặc dù không đạt kỳ vọng nhưng tăng trưởng GDP đạt mức cao so với mặt bằng chung thế giới. Kết quả kinh doanh quý IV của doanh nghiệp có thể khả dĩ hơn khi chiều hướng khó khăn đang thu hẹp dần. Mọi sự bứt phá vẫn chưa dám quả quyết sẽ đến, nhưng cũng không ngoại trừ tâm lý cuối năm có thể khiến dòng tiền nhập cuộc để tìm kiếm lợi nhuận cho chu kỳ đầu năm sau.

Nhận định thị trường chứng khoán tuần tới, ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) cho biết, trạng thái giằng co xoay quan ngưỡng 1.100 điểm của VN-Index vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp một số thời điểm có biến động mang tính tăng tốc nhưng rồi “đâu lại vào đấy”. Chỉ khi nào bứt ra khỏi biên độ 1.080-1.130 điểm thì thị trường mới có thể hình thành xu thế mới.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sự phân hóa trên thị trường vẫn diễn ra với việc nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ sự leo thang của giá cả các loại hàng hóa trên thị trường quốc tế tiếp tục đi ngược lại diễn biến của chỉ số chung cũng như nhóm vốn hóa lớn.

Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh giảm để giải ngân với tỷ trọng nhỏ nhằm tích lũy dần những mã cổ phiếu mục tiêu đang được giao dịch ở các vùng giá chiết khấu cho danh mục trung - dài hạn trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng cần chú trọng quản trị rủi ro một cách chặt chẽ và tránh lạm dụng đòn bẩy trong những thời điểm thị trường xuất hiện biến động mạnh.

Về quan điểm kỹ thuật, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định, VN-Index khả năng có phiên tăng điểm trở lại. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền vẫn đang thận trọng.

Không những vậy, chỉ số tiếp tục vận động giằng co quanh MA20, cùng với chùm MA5, 20, 50 đang có xu hướng hội tụ quanh MA200, cho thấy kịch bản Sideway trong biên độ hẹp từ 1.073 - 1.132 điểm có thể vẫn tiếp diễn. Thêm vào đó, chỉ số tuy chưa vượt qua được áp lực của MA20 nhưng đã lấy lại được đóng cửa trên MA5 với nến rút chân tích cực, cùng với MACD có dấu hiệu tạo Hook, mở ra cơ hội để chỉ số có thể tiến lên thử thách ngưỡng bên trên.

Nhận định của Công ty Chứng khoán VnDirect, thị trường chứng khoán vừa có tuần phục hồi sau khi đón nhận một số thông tin vĩ mô hỗ trợ cả trong lẫn ngoài nước. Lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt tạo điều kiện để Ngân hang Nhà nước tiếp tục bơm ròng qua kênh thị trường mở (CÔM), kéo lượng tín phiếu đang lưu hành về chỉ còn khoảng 15.000 tỷ đồng. Động thái này sẽ giúp cải thiện đáng kể tâm lý của nhà đầu tư và thúc đẩy dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường. VN-Index có thể tiếp tục tích lũy và xây dựng lại vùng 1.080-1.120 điểm trước khi hướng tới các ngưỡng kháng cự cao hơn.

*Những thông tin nhận định thị trường chứng khoán chỉ mang tính tham khảo!

Theo Công Thương