Đầu tư kinh doanh bất động sản có thể sinh lời nhưng rủi ro rất cao, trong khi vốn của doanh nghiệp bảo hiểm là do phí của người tham gia bảo hiểm góp vào, nên để đảm bảo quyền lợi của khách hàng thì Luật không cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực rủi ro quá cao.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã cho biết như trên khi trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về một số điểm đáng chú ý tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, tại buổi họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba, sáng 5/7.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời báo chí.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trả lời báo chí.

Ông Nguyễn Đức Chi nêu rõ, cách tiếp cận mới của luật là, thay vì quy định doanh nghiệp bảo hiểm được đầu tư cái gì, Luật mới quy định không được làm cái gì, trong đó có quy định không được kinh doanh bất động sản, là lĩnh vực rủi ro cao.

Nhưng Luật cũng quy định doanh nghiệp bảo hiểm được mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ.

"Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản, vậy Bộ Tài chính đã tham mưu về hạn mức này như thế nào để đảm bảo yêu cầu của Luật?"- phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn nêu câu hỏi.

Ông Chi nói, quy định này đã tính đến các phát sinh trên thực tế và tính đến rủi ro có thể xảy ra, còn hạn mức bao nhiêu thì vẫn đang tính toán.

Trả lời câu hỏi tiếp theo về hướng xử lý quỹ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện đang có gần 1000 tỷ đồng nhưng Luật không tiếp tục duy trì, ông Chi nói sẽ nghiên cứu một số phương án, trong đó có phương án tiếp tục quản lý quỹ để sử dụng theo mục đích trước đây và một vài phương án nữa. "Chúng tôi sẽ lấy ý kiến nhân dân để lựa chọn phương án hiệu quả nhất", ông Chi cho biết.

Tại cuộc họp báo, giới thiệu những điểm mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, theo cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài.

Do đó, để đảm bảo rõ ràng, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Về các sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, ông Chi cho biết, liên quan đến quy định của hợp đồng bảo hiểm, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng... để đảm bảo thống nhất với Bộ luật dân sự, dễ áp dụng trên thực tế.

Luật mới cũng phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm; nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin.

Bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; quyền thỏa thuận giao kết nhiều loại hợp đồng bảo hiểm; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ,... để bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Luật cũng bổ sung quy định về hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.

Những sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian vừa qua cũng được lãnh đạo Bộ Tài chính giới thiệu tại cuộc họp báo.

Theo đó, về bảo hiểm bắt buộc, đã sửa đổi theo hướng bãi bỏ một số bảo hiểm bắt buộc như: bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, theo Thứ trưởng Chi, Luật đã sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.

Về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro, Luật đã bổ sung các quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm.