Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 và lớn nhất khu vực ASEAN của Trung Quốc, với kim ngạch thương mại 2 chiều trong năm 2022 là 175 triệu USD. Trung Quốc đứng thứ 6/144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với vốn lũy kế là 26 tỷ USD.

Lợi ích khi Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Theo báo cáo mới đây của Mirae Asset, triển vọng cổ phiếu hưởng lợi nhờ việc Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc với một số điểm nhấn chính.

Cụ thể, vốn FDI đăng ký mới trong 9 tháng năm 2023 vào Việt Nam tăng mạnh từ mức thấp nhất năm 2022 lên 10,2 tỷ USD, tức tăng 43,6% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản lần lược chiếm 84,7% và 5,9% vốn FDI đăng ký mới. Trung Quốc đầu tư hơn 2,9 tỷ USD vào Việt Nam, trở thành quốc gia đầu tư nhiều thứ 2, sau Singapore (gần 4 tỷ USD). Tiếp theo là Nhật Bản 2,9 tỷ USD, Hàn Quốc 2,7 tỷ USD và Mỹ 0,5 tỷ USD.

5 cổ phiếu hưởng lợi khi Việt Nam thúc đẩy hợp tác phát triển với Trung Quốc
Vốn FDI chảy vào Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2023

Từ đầu năm 2023, Trung Quốc gỡ bỏ hoàn toàn chính sách Zero-Covid, mở ra kỳ vọng giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới phục hồi lại sau khi ghi nhận mức tăng GDP thấp thứ 2 trong vòng 20 năm qua với 3% cho năm 2022. Nửa đầu năm nay, GDP nước này đạt 59.303 tỷ nhân dân tệ, tăng 5,5%. Chính phủ của họ có kế hoạch tăng trưởng GDP trong năm 2023 là 5%.

Trong bối cảnh lạm phát tăng trưởng cao ở nhiều quốc gia trên thế giới, thì Trung Quốc lại ghi nhận tình trạng giảm lạm phát khi mức giá tiêu dùng tại đây không có sự thay đổi nào trong tháng 9/2023 và tiếp tục đi ngang với vùng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Hiện tại, Trung Quốc đang thực hiện nhiều gói kích thích kinh tế năm 2023 nhằm tiếp tục phục hồi nhu cầu tiêu dùng nội địa, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Về xuất khẩu, Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khi đạt 57,7 tỷ USD trong năm 2022, chỉ đứng sau Hoa Kỳ với 109 tỷ USD. Tính từ năm 2008, khi Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc thì giá trị xuất khẩu tăng gần 12 lần trong 14 năm qua.

Theo đó, lĩnh vực điện thoại, máy vi tính và linh kiện luôn dẫn đầu tổng giá trị xuất sang Trung Quốc. Năm 2022 ghi nhận 11,9 tỷ USD giá trị xuất khẩu máy vi tính và linh kiện, đạt 16,3 tỷ USD về điện thoại và linh kiện. Tiếp đó là các nhóm ngành về nông sản, dệt may cũng chiếm tỷ trọng lớn về xuất khẩu.

5 cổ phiếu hưởng lợi khi Việt Nam thúc đẩy hợp tác phát triển với Trung Quốc
Những khu vực xuất khẩu lớn của Việt Nam là Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ

Mirae Asset đánh giá, với sự hợp tác thúc đẩy phát triển với Trung Quốc, sẽ có 5 nhóm ngành tại Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất.

Đầu tiên là ngành hàng không: Vào năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, trong đó khách Trung Quốc đạt 5,8 triệu lượt, chiếm 32,2%. Trong 2 năm dịch Covid - 19, tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam giảm mạnh, năm 2021 chỉ có 157 nghìn lượt; năm 2022 là 3,6 triệu lượt. Riêng lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2021 chỉ có 57.000 lượt, thấp nhất trong 10 năm.

Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 9 triệu lượt, trong đó khách Trung Quốc đạt hơn 1,1 triệu lượt. Có thể thấy, du khách Trung Quốc đang dần hồi phục. Đồng thời, Trung Quốc dự kiến sẽ sớm có thêm một hãng bay đến Việt Nam, điều này giúp lượng khách trong thời gian tới tăng mạnh.

Tiếp theo là ngành cao su: Năm 2022, Trung Quốc chiếm 74,62% tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam, với 1,6 triệu tấn có giá trị 2,4 tỷ USD, tiếp tục là thị trường dẫn đầu về tiêu thụ cao su ở Việt Nam.

Trong 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 80,88% về lượng và chiếm 80,41% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 156,34 nghìn tấn (+4,6% YoY), trị giá 202,44 triệu USD (-2,7% YoY).

Thứ 3 là ngành Sợi dệt: Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu Sợi dệt của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 3,7% tổng giá trị xuất khẩu năm. Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu Sợi dệt mang về hơn 1,2 tỷ USD tăng 15% so với nửa đầu năm nay.

Thứ 4 là ngành khu công nghiệp: Hiện tại Trung Quốc vẫn là quốc gia đứng đầu lượng vốn đầu tư vào Việt Nam. Vốn đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam trong năm 2020 là 2,46 tỷ USD và năm 2021 là 2,92 tỷ USD.

Năm 2022, vốn đăng kỳ đạt 2,5 tỷ USD, chiếm hơn 9% tổng lượng vốn đăng ký. Trung quốc là quốc gia đầu tư nhiều thứ 2 vào Việt Nam với hơn 2,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023.

Cuối cùng là ngành thủy sản: Năm 2022, sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu của sản phẩm này, đạt hơn 672 triệu USD.

Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra phile chiếm gần 67% tổng tỷ trọng, đạt 290 triệu USD (-34% YoY). Tuy nhiên, kỳ vọng vào nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc dần phục hồi vào cuối năm 2023 sẽ giúp cải thiện sản lượng tiêu thụ mặt hàng này.

5 mã cổ phiếu hưởng lợi

Dưới góc nhìn đầu tư, Mirae Asset chỉ ra 5 mã cổ phiếu được đánh giá sẽ hưởng lợi khi Việt Nam thúc đẩy phát triển với Trung Quốc.

Đầu tiên là 2 cổ phiếu thuộc ngành hàng không và dịch vụ hàng không, gồm AST của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco và cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Theo đó, Mirae Asset đánh giá Dịch vụ Hàng không Taseco sẽ hưởng lợi khi sắp có thêm 1 hãng hàng không mở đường bay tới Việt Nam, giúp Taseco có thể đón thêm lượt khách tại nhà chờ sân bay. Việc tăng thêm chuyến bay là một hỗ trợ tốt cho hoạt động kinh doanh của nhà chờ sân bay.

5 cổ phiếu hưởng lợi khi Việt Nam thúc đẩy hợp tác phát triển với Trung Quốc
Nhóm ngành hàng không có 2 mã cổ phiếu hưởng lợi lớn

Còn đối với Vietnam Airlines, Mirae Asset cho rằng doanh nghiệp này cũng sẽ hưởng lợi khi Việt Nam nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam - Trung Quốc kể từ tháng 3/2023 và tháng 4/2023.

Với ngành cao su, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay, khi chiếm 80,88% về lượng và chiếm 80,41% về trị giá.

Với nhóm ngành này có một cổ phiếu là PHR của Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa được đánh giá cao với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành cao su. Bên cạnh đó doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu đa dạng, tới nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan…

Với ngành khu công nghiệp, Trung Quốc luôn là thị nước đứng Top đầu trong lượng vốn đầu tư vào Việt Nam với hàng tỷ USD mỗi năm. Đây cũng là quốc gia đầu tư nhiều thứ 2 vào Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023 với hơn 2,9 tỷ USD.

Do đó, ở ngành này, cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera đang được đáng giá tích cực khi nắm trong tay hơn 824 ha đất sẵn sàng cho thuê. Chưa kể, phần lớn diện tích đất nằm ở phía Bắc, khu vực chiếm ưu thế lớn khi hướng đến dòng tiền đầu tư của Trung Quốc.

Cuối cùng là nhóm ngành thủy sản, kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ bùng nổ vào cuối năm giúp cho sản lượng tiêu thụ sản phẩm ngành này này được cải thiện.

Với vị thế là doanh nghiệp đầu ngành trong sản xuất và xuất khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam khi chiếm 15,4% tỉ trọng xuất khẩu cá tra, Mirae Asset đánh giá tích cực cổ phiếu VHC của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Vĩnh Hoàn.