Theo chị Đ.H (Hà Nội) chia sẻ, chị đã thấy đoạn video có ông Phạm Thanh Hưng (thường được gọi là Shark Hưng) trên Facebook quảng cáo về hình thức đầu tư rất hấp dẫn trên trang “Đầu tư rút lãi nhanh”.

Khi liên hệ, thấy người trực page này đã tự nhận mình là người của sàn HOSE và gửi cho chị H. một hình ảnh được gọi là “giấy tờ sở giao dịch sàn chứng khoán HOSE”.

Người này cho hay Shark Linh là đại diện hình ảnh cho HOSE, còn Shark Hưng là cố vấn đầu tư, còn một lãnh đạo có tên V.Q.H. là người hỗ trợ trực tiếp. Họ có nhiệm vụ hướng dẫn và phân tích, hỗ trợ để đầu tư thu lời nhanh.

Theo thông tin từ người này, nhà đầu tư trước hết cần chi 300.000 đồng để tham gia gói trải nghiệm trước, thực hiện thao tác hiểu rõ nhận lệnh và tiến hành đặt lệnh.

Người này đã cam kết lợi nhuận đạt tới 1 triệu đồng thì nhà đầu tư được rút một nửa (500 nghìn đồng), số còn lại sẽ đầu tư tiếp vào nhóm hoạt động hàng ngày. Đúng giờ lệnh của nhóm (12h, 19h, 20h30) sẽ có chuyên gia báo trong nhóm.

Cảnh báo chiêu trò giả mạo các “Shark” để kêu gọi đầu tư thu lời nhanh
Xuất hiện hàng loạt fanpage, bài viết quảng cáo hình thức đầu tư lãi nhanh kèm theo hình ảnh Shark (cá mập)

Người viết tìm hiểu, khi tìm kiếm từ khoá “Shark Hưng”, Shark Linh hay “đầu tư theo các Shark” sẽ có hàng loạt video chạy quảng có Shark Linh, Shark Hưng chia sẻ về đầu tư tài chính. Trong video, các dòng chữ như “rút lãi nhanh 1 triệu đồng sau 15 phút tham gia, vốn khởi động 300k – 500k, bảo hiểm vốn 100%” xuất hiện ở góc bên phải. Ví dụ như, page có tên Đầu Tư Tại Nhà Với Shark Hưng, Tăng Hiệu Xuất Kiếm Tiền Mỗi Ngày, SHARK HƯNG - Phương Pháp Đầu Tư Hiệu Quả Tại Nhà,...

Thông thường, mỗi video này có 30-60 bình luận với nhiều lời khen rằng sàn uy tín, nhân viên nhiệt tình và thu được lợi nhuận mỗi ngày. Cùng với đó là những bình luận xin tư vấn, hỗ trợ đầu tư, và thậm chí gửi cả SĐT để được gọi tư vấn.

Trên fanpage có tên “Shark Phạm Thanh Hưng” với 2 triệu người theo dõi, tích xanh xác thực chính chủ, hiện có ghim một bài viết: "Nghiêm túc cảnh báo - Chuyện quan trọng nhắc 100 lần”.

Theo ông Phạm Thanh Hưng, hiện đang xuất hiện nhiều fanpage giả mạo để kêu gọi góp tiền nhận lãi. Do đó, ông kêu gọi mọi người “report” (báo cáo vi phạm) đối với những kênh và hình ảnh xuyên tạc với nội dung ông Hưng chia sẻ.

“Rất nhiều cá nhân, thậm chí cả những nhóm tổ chức hoạt động sử dụng hình ảnh của Shark Hưng và tạo những fanpage 0 người theo dõi với mục đích chỉnh sửa, cắt ghép, bóp méo sai sự thật đến mức xuyên tạc nội dung câu view trái pháp luật ở hình ảnh chế các phát ngôn tục tĩu cố tình đặt tên Shark Hưng”, theo bài viết của ông Hưng.

Bên dưới bài viết, ông Hưng cũng cho biết thêm có hơn chục trang giả mạo mỗi ngày.

Về phía Shark Tank Việt Nam, cũng đã có lời cảnh báo khẩn cấp lừa đảo nhóm “Cộng đồng Shark Tank Việt Nam”.

Theo đơn vị này, các trang sử dụng hình ảnh có các Shark để kêu gọi đầu tư vào các sàn giao dịch trái phép. Đơn vị cho biết đó là hành vi lừa đảo tài chính và khẳng định mọi thông tin là sai sự thật vì các Shark không có bất kỳ sự kiện trực tiếp hoặc gián tiếp với Công ty & tổ chức đó.

Những trang được tạo chỉ có 0 like và sử dụng hình ảnh các “cá mập” để quảng cáo nhằm tạo uy tín. Số lượng các trang tăng nhanh trong thời gian ngắn và cứ mỗi khi một trang bị report thì lại có trang mới xuất hiện.

Bên cạnh ông Hưng thì còn có ông Nguyễn Xuân Phú, ông Nguyễn Thanh Việt, bà Đỗ Thị Kim Liên, bà Thái Vân Linh, ông Nguyễn Hòa Bình... bị dùng hình ảnh để giả mạo, qua việc kêu gọi đầu tư từ vài triệu tới vài chục triệu đồng, thu về lãi suất lên đến 10%/ ngày. Sau cùng, kết quả là người tham gia bị mất trắng.

Rất nhiều trang hiện đã bị xóa vì được report. Thế nhưng, mạng xã hội vẫn còn nhan nhản các trang kêu gọi đầu tư mạo danh kiểu này.