Gia tăng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 6, áp lực đáo hạn còn lại vẫn lớn
Ảnh minh họa.

Thống kê từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội - HNX cho thấy, trong tháng 6 vừa qua có 13 đợt phát hành riêng lẻ của 10 doanh nghiệp với tổng giá trị 8.170 tỷ đồng. Trong tháng 5/2023, chỉ có 4 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của duy nhất một doanh nghiệp, tổng giá trị 2.600 tỷ đồng. Như vậy, so với tháng trước, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6/2023 tăng hơn 3,1 lần.

Theo đó, xây dựng - bất động sản đang là nhóm ngành dẫn đầu về lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 6, chiếm 47,5% giá trị phát hành. Trong đó, giá trị phát hành lớn nhất thuộc về Công ty TNHH Phát triển kinh doanh xây dựng 3 (XD3C) với 2.250 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp này phát hành trái phiếu. Công ty cổ phần Vinam Land đứng thứ hai trong nhóm xây dựng với 1.500 tỷ đồng.

Đây đồng thời là hai doanh nghiệp trả lãi suất trái phiếu cao nhất trong tháng 6 với mức lãi 14%. Các doanh nghiệp còn lại ghi nhận mức lãi suất 12%/năm; 6-7% với chủ yếu là các ngân hàng.

Nhóm tài chính - ngân hàng sau nhiều tháng im ắng đã phát hành trở lại với tỷ lệ 39% giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành tháng 6/2023. OCB là nhà phát hành lớn nhất nhóm ngân hàng với 3 đợt phát hành, giá trị 2.000 tỷ đồng. Các nhà phát hành lớn tiếp theo là: BIDV (490 tỷ đồng), NamABank (400 tỷ đồng) và CTCP Chứng khoán kỹ thương (300 tỷ đồng).

Tiếp theo là Vietjet có 2 đợt phát hành tổng giá trị 600 tỷ đồng, Transimex 300 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thành Thành công - Biên Hòa (200 tỷ đồng), Công ty cổ phần Tập đoàn Taseco (130 tỷ đồng).

Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến 23/6, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 99.041 tỷ đồng (tăng gần 51% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 170.302 tỷ đồng. Phần lớn giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với 87.846 tỷ đồng, chiếm 52%, theo sau là nhóm ngân hàng với 30.261 tỷ đồng, chiếm 17,8%.

Trong tháng 6, vẫn có hàng chục doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu và công bố phương án tái cơ cấu trái phiếu.

Nếu không có hoạt động mua lại trước hạn nào đáng kể thì 6 tháng còn lại của năm, áp lực đáo hạn sẽ dồn vào tháng 9 với giá trị cao nhất đạt 32,6 nghìn tỷ đồng, áp lực lớn tiếp theo dành cho tháng 12 với 24,4 nghìn tỷ đồng.

Trong tháng 7, tổng giá trị trái phiếu là 19,4 nghìn tỷ đồng. Nếu không tính các lô trái phiếu tổng trị giá 7,2 nghìn tỷ đồng do Setra (3,75 nghìn tỷ) và Công ty Cổ phần Đầu tư Quang Thuận (3,45 nghìn tỷ) thuộc nhóm doanh nghiệp liên quan đến Vạn Thịnh Phát phát hành năm 2020 và đáo hạn vào ngày 31/7/2022, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn không bao gồm trái phiếu của các ngân hàng trong tháng 7 là 12,2 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, Công ty TNHH Saigon Glory (thuộc Bitexco) đến kỳ đáo hạn 2 lô trái phiếu SGL-2020.04 và SGL-2020.05 vào ngày 28/7 và 10/7 với tổng giá trị đáo hạn là 2.000 tỷ đồng. Được biết Saigon Glory đã gửi ý kiến trái chủ để lùi thời gian đáo hạn sang năm 2024.

Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo, nhóm Masan, sẽ đáo hạn 1.700 tỷ đồng trái phiếu. Thời gian gần đây, Núi Pháo đã phát hành 4 lô trái phiếu trị giá 2.600 tỷ đồng.

Nhóm Novaland đáo hạn 1.738 tỷ đồng bao gồm Novaland Group đáo hạn 1.300 tỷ trái phiếu vào ngày 20/7 và gần 138 tỷ vào ngày 23/7; Công ty TNHH Bất động sản Vĩnh Xuân đáo hạn 300 tỷ vào ngày 10/7.

FE Credit đáo hạn 4 lô trái phiếu tổng trị giá 1.400 tỷ đồng. CTCP Phúc Long Vân đáo hạn 1.350 tỷ đồng trái phiếu vào 12/7.

Ngoài ra, CII đáo hạn 581 tỷ, Điện mặt trời Trung Nam đáo hạn 300 tỷ, Bất động sản Hà An (công ty con Đất Xanh) đáo hạn 250 tỷ đồng...

Phương Uyên