Chứng khoán Tiên Phong

Mới đây, Chứng khoán Tiên Phong - TPS (mã chứng khoán: ORS) đã thông báo về việc chuẩn bị chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng, mục đích là tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Chứng khoán Tiên Phong dự kiến sẽ huy động thêm 1.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 100 triệu cổ phiếu với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian để đăng ký mua diễn ra từ ngày 5/2/2024 đến ngày 11/3/2024.

Nhộn nhịp hoạt động phát hành cổ phiếu tăng vốn của các doanh nghiệp
Chứng khoán Tiên Phong dự kiến sẽ huy động thêm 1.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 100 triệu cổ phiếu với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu. Ảnh minh họa

Nếu như việc tăng vốn diễn ra thành công, TPS sẽ nâng vốn điều lệ từ mức 2.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Được biết, nguồn vốn huy động này sẽ được dùng cho việc nâng cao năng lực tài chính, tăng quy mô vốn, thực hiện các nghiệp vụ tự doanh, tư vấn và bảo lãnh phát hành chứng khoán. Số tiền này cũng để phục vụ cho việc đầu tư, trong đó có các kế hoạch góp vốn đầu tư, mua cổ phần hoặc vốn góp, hoặc thực hiện đầu tư vốn dưới hình thức khác nhằm phát triển, mở rộng quy mô hoạt động của công ty.

Tính ở thời điểm cuối tháng 9/2023, vốn chủ sở hữu của Chứng khoán Tiên Phong là hơn 2.477 tỷ đồng, so với quý 2/2023 đã tăng 2,4%. Ngoài ra, tổng tài sản của công ty ghi nhận ở mức 7.054 tỷ đồng. Doanh thu của Chứng khoán Tiên Phong liên quan đến trái phiếu như lưu ký chứng khoán vẫn là một trong những động lực chính thúc đẩy doanh thu công ty tăng trưởng. Hoạt động này đã đóng góp 39% tổng doanh thu hoạt động của TPS trong 9 tháng đầu năm, đạt gần 881 tỷ đồng doanh thu, so với cùng kỳ năm trước đã tăng hơn 3,1 lần.

Nhiều công ty chứng khoán, nhà băng cũng tích cực huy động vốn

Từ đầu năm 2023 đến nay, làn sóng tăng vốn của các doanh nghiệp ngày càng nhộn nhịp, điển hình là nhóm công ty chứng khoán. Đầu tiên là Chứng khoán SSI (SSI) đã thực hiện việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về các phương án phát hành tăng vốn. Theo dự kiến, công ty này sẽ phát hành 453 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ, được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau khi việc phát hành hoàn tất, vốn điều lệ SSI sẽ tăng lên mức 19.645 tỷ đồng.

Nhộn nhịp hoạt động phát hành cổ phiếu tăng vốn của các doanh nghiệp
Nhiều ngân hàng cũng rục rịch phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Ảnh minh họa

Mới tháng 8/2023, Chứng khoán VNDirect (VND) cũng đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc chào bán gần 244 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi có chấp thuận của UBCKNN, việc này sẽ được thực hiện ngay trong năm 2023 hoặc 2024.

Nhiều ngân hàng cũng rục rịch phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Số liệu thống kê từ những nghị quyết từng công bố cho thấy, tổng vốn điều lệ dự kiến tăng thêm trong năm 2023 của 28 ngân hàng là hơn 163.000 tỷ đồng, so với kế hoạch 154.000 tỷ đồng năm 2022 đã cao hơn đáng kể, đồng thời cao gấp 1,6 lần kế hoạch tăng thêm 100.000 tỷ đồng năm 2021.

Đáng chú ý, các ngân hàng càng sát thời điểm cuối năm lại càng tích cực hoàn thành kế hoạch tăng vốn. Cụ thể, BIDv mới đây đã chốt ngày hưởng quyền để nhận cổ tức là 29/11 với tỷ lệ là 12,69%. Vốn điều lệ của ngân hàng sau đợt chia cổ tức sẽ tăng từ 50.585 tỷ đồng lên hơn 57.004 tỷ đồng. Cũng trong quý 4/2023, VietinBank có kế hoạch phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông với tỷ lệ 11,7%, đồng thời nâng vốn điều lệ từ hơn 48.000 tỷ đồng lên trên 53.700 tỷ đồng. Trước đó, cũng có hàng loạt ngân hàng đã chốt quyền nhận cổ tức cho các cổ đông như: OCB, Eximbank, VPBank, SeABank…

Huy động vốn của nhóm doanh nghiệp sản xuất

Nhóm doanh nghiệp sản xuất chủ yếu tăng vốn để huy động nguồn lực để trả nợ và hỗ trợ kinh doanh. Trong bối cảnh nợ vay ngày càng tăng, các khoản nợ bị mắc kẹt chưa thể thu hồi, việc vay thêm tiền dù là từ ngân hàng hay qua kênh trái phiếu đều gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia nhận định, phát hành cổ phiếu là một kênh được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để huy động vốn.

Sau khi thất bại trong đợt chào bán trước đó, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (mã chứng khoán: HAG) mới đây đã công bố kế hoạch phát hành 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tỷ lệ phát hành là 14,02%. Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Công ty này kỳ vọng có thể huy động 1.300 tỷ đồng để trả nợ cũng như bổ sung vốn lưu động.

Nhộn nhịp hoạt động phát hành cổ phiếu tăng vốn của các doanh nghiệp
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (mã chứng khoán: HAG) mới đây đã công bố kế hoạch phát hành 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tỷ lệ phát hành là 14,02%. Ảnh minh họa

Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) cũng mới công bố kế hoạch phát hành 252,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động vốn và cấn trừ công nợ. Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (mã chứng khoán: NVL) mới đây đã thông báo ngày 30/11/2023 là ngày chốt danh sách cổ đông, lấy ý kiến điều chỉnh phương án phát hành hơn 975 triệu cổ phiếu riêng lẻ cùng 1,95 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100%. Doanh nghiệp bất động sản này sẽ sử dụng nguồn vốn huy động để góp thêm vốn vào công ty con, tái cơ cấu nợ và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn…

Việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn phục vụ mục đích kinh doanh của nhóm doanh nghiệp sản xuất còn có những cái tên đáng chú ý như: CTCP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEG); CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao Thông Đèo Cả (HHV); CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF)…