Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) đã thông báo về việc sẽ lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức và cá nhân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Thời gian đăng tải lấy ý kiến là đến hết ngày 5/1.

Trong đó, có một chi tiết đáng chú ý tại Điều 120 đối với việc hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc sẽ được bổ sung thêm Khoản 7 với nội dung như sau: “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định”. Đồng thời, quy định này cũng có thể mở đường cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) duy trì niêm yết cổ phiếu HVN của mình trên sàn HOSE.

Vietnam Airlines có cơ hội ở lại trên sàn HOSE?
Quy định này cũng có thể mở đường cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) duy trì niêm yết cổ phiếu HVN của mình trên sàn HOSE. Ảnh minh họa

Thời điểm hiện tại, doanh nghiệp hàng không này đang đứng trước nguy cơ rời sàn niêm yết lớn nhất của Việt Nam vì đã thua lỗ 3 năm liên tiếp (2020 - 2022), đồng thời bị âm vốn chủ sở hữu và thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc đối với toàn bộ hơn 2,2 tỷ cổ phiếu của HVN.

Cụ thể, theo như báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022, Vietnam Airlines đã thua lỗ thêm hơn 11.200 tỷ đồng, từ đó nâng khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm lên mức hơn 35.000 tỷ đồng. Theo đó, vốn chủ sở hữu của hãng ở mức âm 11.000 đồng. Điều này đã dẫn đến nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN) trên sàn Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) theo quy định.

Tuy nhiên, nếu như điều khoản bổ sung nói trên được thông qua, Chính phủ có thể sẽ xem xét đối với việc tiếp tục duy trì niêm yết đối với cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines. Điều đáng nói, dự thảo điều khoản trên vẫn chỉ là một ‘cánh cửa hẹp’, bởi hãng hàng không quốc gia vẫn cần phải có được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước và phải được Chính phủ thông qua việc duy trì niêm yết cho trường hợp đặc biệt.

Được biết, Nhà nước thời điểm hiện tại đang sở hữu 86% vốn tại Vietnam Airlines thông qua Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Vietnam Airlines có cơ hội ở lại trên sàn HOSE?
Nhà nước thời điểm hiện tại đang sở hữu 86% vốn tại Vietnam Airlines thông qua Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC)

Trước đó, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng - Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines đã báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của công ty diễn ra sáng 16/12 và khẳng định, tình huống bị âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp, có nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu của Vietnam Airlines là tình huống rất đặc biệt. Trước khi dịch bệnh Covid-19 ập đến, Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp đứng đầu top những công ty có vốn hóa lớn, sở hữu khả năng sinh lời cao và minh bạch tài chính trên sàn HOSE. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến những công ty hoạt động trong ngành hàng không.

Liên quan đến vấn đề này, kế toán trưởng của Vietnam Airlines nhấn mạnh: “Tình huống Vietnam Airlines bị âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế có yếu tố ảnh hưởng khách quan là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hàng không cũng như các hãng bay đều trong tình cảnh này. Tôi tin tưởng rằng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu đánh giá các yếu tố này một cách khách quan, cẩn trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn được duy trì trên sàn chứng khoán”.

Ông Trần Thanh Hiển bổ sung, Vietnam Airlines hiện đang tiến hành xây dựng triển khai một cách đồng bộ những giải pháp tái cơ cấu, trong đó quan trọng nhất là giải pháp tự thân. Đồng thời, hãng hàng không này phải tiến tới có lãi và khả năng thanh toán từ dòng tiền kinh doanh, có được giải pháp đồng bộ tái cơ cấu nhằm khắc phục hậu quả của Covid-19.

Ước tính doanh thu 2023 tăng 30%

Trong Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, tổng doanh thu hợp nhất của công ty năm 2023 ước đạt khoảng 92.000 tỷ đồng, vượt 1,4% so với kế hoạch đề ra và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vietnam Airlines có cơ hội ở lại trên sàn HOSE?
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HVN tại phiên giao dịch sáng ngày 3/1 đang ở mức 12.250 đồng/cổ phiếu. Ảnh minh họa

Trong đó, doanh thu của công ty mẹ ước đạt 70.479 tỷ đồng, vượt 1,7% so với kế hoạch đề ra và tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong năm 2023, Vietnam Airlines đã nộp ngân sách nhà nước tổng cộng 3.243 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà cũng nhấn mạnh, những kết quả nói trên là sự đồng lòng và đoàn kết của tập thể lãnh đạo cũng như người lao động của công ty. Như vậy, nếu tính riêng trong quý 4/2023,doanh thu hợp nhất của hãng hàng không là khoảng 23.911 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng 22%.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HVN tại phiên giao dịch sáng ngày 3/1 đang ở mức 12.250 đồng/cổ phiếu.

Vào cuối năm ngoái, phía HOSE đã có quyết định đưa cổ phiếu HVN ra khỏi diện cảnh báo sau khi Vietnam Airlines đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 16/12/2023, đồng thời khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định.