Áp lực chốt lời trong một tuần hồi phục

Tuần qua, thị trường chứng khoán có biến động khá mạnh, với cú hồi phục nhanh, phiên tăng hơn 33 điểm. Nhưng áp lực chốt lời đã diễn ra ngay sau đó. Dòng tiền chưa đủ mạnh cùng tâm lý cẩn trọng vẫn phổ biến.

Phiên cuối tuần 10/11, thị trường ghi nhận một phiên chốt lời diện rộng. Chỉ số VN-Index giảm hơn 12 điểm, tương đương giảm 1,1% so với phiên thứ 5, sau chuỗi tăng mạnh từ đáy gần 100 điểm.

Những yếu tố giúp thị trường chứng khoán sớm phục hồi
Thị trường chứng khoán tuần vừa qua có biến động khá mạnh

Trong các phiên đầu tuần, VN-Index khá tích cực, nối tiếp đà tăng từ cuối tuần trước nhờ lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm giảm về 4,6%, giúp áp lực về tỷ giá trong nước hạ nhiệt. Qua đó, cải thiện được tâm lý của nhà đầu tư trong nước - vốn chịu nhiều áp lực trong các tháng gần đây liên quan đến câu chuyện tỷ giá.

Song, trong 2 phiên cuối tuần ghi nhận áp lực chốt lời cao, nhất là phiên thứ 6, sau phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell rằng “Fed không đủ tự tin đã thắt chặt chính sách đủ mạnh đề ghìm cương lạm phát về mức mục tiêu 2%”, và lưu ý “Fed sẽ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình và tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát tăng tốc trở lại".

Phát biểu này khiến nhiều thị trường chứng khoán quốc tế giảm điểm đáng kể, kéo theo phiên điều chỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam vào phiên cuối tuần.

Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index vẫn ở mức tăng 25 điểm lên 1.101,7, tương đương mức tăng 2,3% so với cuối tuần trước đó. Chỉ số HNX-Index tăng 4,08% lên 226,65 điểm. Upcom-Index hồi phục 2,2% để đóng cửa tại 86,03 điểm.

Một số cổ phiếu trụ cột trong tuần qua đóng góp lớn cho sự tăng của chỉ số VN-Index, gồm Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 8,1%, Vinhomes (VHM) tăng 4,4%. Cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long tăng 5,6% và Vietinbank (CTG) tăng 5%.

Nhưng ngược lại, Vietcombank (VCB) giảm 3,3%; Masan (MSN) giảm 3,4% và Sabeco (SAB) giảm 2,4%.

Thêm một điểm tích cực khác là sự phục hồi của thanh khoản, giá trị giao dịch bình quân tăng mạnh 27,5% so với tuần trước, ở mức 20.306 tỷ đồng. Khối ngoại đã trở lại bán ròng trên cả 3 sàn, tập trung nhiều nhất trên HOSE với giá trị 1.217 tỷ đồng, so với mức mua ròng 300 tỷ đồng trong tuần liền trước.

Những yếu tố giúp thị trường chứng khoán sớm phục hồi
Một số cổ phiếu bất động sản đóng góp lớn cho sự tăng của chỉ số VN-Index

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trên HNX là 240 tỷ đồng (giảm 20% so với tuần trước) và UPCOM là 47 tỷ đồng (tăng 40% so với tuần trước). Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 930 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Chờ đợi cú hích từ cổ phiếu bất động sản

Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Chứng khoán VnDirect (VND) - Ông Đinh Quang Hinh cho rằng, xu hướng từ nay đến cuối tháng 11, thị trường vẫn nhận được các thông tin hỗ trợ cùng với dòng tiền cải thiện.

Theo đó, tỷ giá trong nước hạ nhiệt trong thời gian gần đây sẽ tác động tích cực lên tâm lý nhà đầu tư; Đồng thời, giúp chính sách tiền tệ “dễ thở” hơn trong các tháng cuối năm, từ đó tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ trở lại thị trường chứng khoán.

Cuối tháng này, thị trường sẽ hướng đến nghị trường Quốc hội với kỳ vọng 3 dự luật (sửa đổi) liên quan tới thị trường BĐS được thông qua, gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Khi đó, đây sẽ là cú hích lớn đối với các nhóm doanh nghiệp BĐS.

Theo Ông Michael Kokalari - Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, những yếu tố tích cực đã và đang giảm dần, chứng khoán Việt Nam có cửa sáng phục hồi.

Những yếu tố giúp thị trường chứng khoán sớm phục hồi
Ông Michael Kokalari - Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital

Vị chuyên gia cho rằng, đợt giảm 16% từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10 của tỷ giá USD/VND đã xóa mọi thành quả tăng trưởng từ đầu năm, đây là nguyên nhân làm dấy lên mối lo ngại rằng NHNN sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ. Đồng VND giảm sẽ thôi thúc các nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu Việt.

Đồng thời, các vấn đề đặc thù liên quan tới trái phiếu hoán đổi trị giá 250 triệu USD của Vingroup có thể hoán đổi thành cổ phiếu Vinhomes (VHM) khiến không ít nhà đầu tư bán ra cổ phiếu VIC và VHM. Gây ảnh hưởng đến thị trường chung khi 2 mã này chiếm khoảng 10% VN-Index.

Những lệnh bán giải chấp của các công ty chứng khoán, cùng tin đồn về việc kiểm soát một số nguồn cho vay ký quỹ không chính thức có vẻ đã thúc đẩy việc bán tháo cổ phiếu trong một số phiên. Bên cạnh đó, yếu tố lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cao đã tạo sức ép lên thị trường chứng khoán của những thị trường mới nổi như Việt Nam.

Ông Michael Kokalari cũng nhìn nhận, việc giảm bán trong thời gian thị trường suy giảm mạnh là dấu hiệu cho thấy đà phục hồi mạnh sẽ trở lại, một khi các yếu tố gây ra nhịp chỉnh mạnh giảm bớt.

Theo Đại diện VinaCapital, định giá chứng khoán đang ở mức rẻ. Mức định giá của VN-Index dựa trên P/E và P/B giảm xuống mức rẻ - điều chỉ xảy ra 2 lần trong 1 thập kỷ qua. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) sẽ phục hồi 35% so với cùng kỳ quý IV/2023 và tăng 20% so với năm 2024 sau khi nền kinh tế bớt khó khăn.

Trong khi tỷ giá USD/VND đã ổn định nhiều tuần qua mà NHNN không cần tăng lãi suất, cùng với việc đà tăng của USD gần kết thúc càng làm chắc chắn luận điểm NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất trong những tháng tới.

NHNN gần đây không còn hút tiền từ thị trường mở. Trong khi lượng đáo hạn tín phiếu khá lớn. VinaCapital kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ giảm 3% vào cuối năm 2023 nhờ sự hỗ trợ từ mức tăng trưởng của thặng dư thương mại Việt Nam, từ 3% GDP năm nay lên 7% trong năm 2024.

Song, nhiều chuyên gia lưu ý đây mới chỉ là nhịp phục hồi, chưa xác nhận một xu hướng tăng trưởng bền vững.