TS Cấn Văn Lực: Giảm lãi suất cho vay, khơi thông các kênh dẫn vốn khác
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC).

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến "Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh mới", TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) khẳng định Việt Nam còn dư địa, cả chính sách tiền tệ lẫn tài khóa.

Về câu chuyện chính sách tiền tệ, đặc biệt là lãi suất, TS Cấn Văn Lực cho biết, chúng tôi đã khảo sát dòng vốn cho đầu tư tổng xã hội của chúng ta thì tín dụng ngân hàng chiếm khoảng 50%, cộng với trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 15%, thì suy ra việc giảm mặt bằng lãi suất sẽ là giảm lãi suất cho 65% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Cái đấy rất quan trọng để lượng hóa. Đương nhiên rất quan trọng đối với câu chuyện chi phí hoạt động của doanh nghiệp.

Chia sẻ về tăng trưởng tín dụng, TS Cấn Văn Lực cho biết, trong 6 tháng vừa qua, tín dụng chỉ tăng trưởng 4,73% (đến 30/6) và thực tế đến hôm nay lại giảm bớt đi, chỉ tăng đâu đó xoay quanh 4%. Có nghĩa là tín dụng của chúng ta tăng rất thấp, ngân hàng muốn đẩy ra cũng rất khó, chứng tỏ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp.

Ông Lực dẫn chứng, trong lĩnh vực bất động sản, cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm vẫn tăng khoảng 15% nhưng cho vay để mua nhà, sửa nhà, chữa nhà giảm 1,32%. Rõ ràng người dân không đi vay để mua nhà, sửa nhà, chữa nhà nữa mà thậm chí người ta còn giảm sản xuất.

Để tăng năng suất sản xuất, đáp ứng được điều kiện để vay vốn, TS Cấn Văn Lực nói về 4 vấn đề. Thứ nhất là mặt bằng lãi suất, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục giảm như Thủ tướng đã chỉ đạo, cũng là tăng kích cầu.

Thứ hai là linh hoạt hơn điều kiện cho vay, linh hoạt hơn chứ không hạ chuẩn. Ví dụ trước đây tài sản thế chấp phải là nhà cửa, phải là bất động sản nhưng bây giờ có thể là "động sản" như hàng tồn kho, hay là đơn hàng tương lai, hợp đồng ký hợp tác với nhau…

Thứ ba là bản thân doanh nghiệp cũng cần có những chuyển đổi, tái cơ cấu, hồ sơ minh bạch hơn, và đặc biệt chứng minh có thể trả nợ trong tương lai, chứng minh được nỗ lực của mình.

Cuối cùng là thay đổi sự trì trệ ở bộ phận công chức, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là về pháp lý.

Bên cạnh đó, theo TS Cấn Văn Lực phải khơi thông cả những kênh dẫn vốn khác, bởi vì kênh dẫn vốn trái phiếu doanh nghiệp rất quan trọng, 2 quý đầu năm chỉ bằng 60% với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chúng ta khơi thông được chỗ này thì rõ ràng dòng vốn trung và dài hạn sẽ khá nhiều.

Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực lưu ý, giảm lãi suất cũng không thể giảm quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được. Trong 2 tháng vừa rồi, một số dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển từ kênh tiết kiệm riêng tư sang kênh chứng khoán. Như vậy vẫn phải đảm bảo một mức độ hấp dẫn nhất định để dòng tiền tiếp tục vào ngân hàng, ngân hàng có thanh khoản cho vay, đảm bảo nguồn vốn đi vào kinh doanh thay vì chỉ đầu tư tài chính hay tồn kho bất động sản như thời gian vừa qua.

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, tín dụng cần tập trung vào một số lĩnh vực. Một là dứt khoát phải vào 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm xuất khẩu, nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ.

Thứ hai là tập trung vào 3 động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Bây giờ những gì chúng ta đang xuất khẩu tốt, ta cần vốn thì phải bơm vốn ngay. Chúng ta có gói 15 nghìn tỷ với lâm thủy sản là như vậy. Và kể cả gạo, nếu như gạo chúng ta đang xuất khẩu tốt, cà phê xuất khẩu tốt, cần tiền thì sẵn sàng có những gói tín dụng mới. Tiếp đến là lĩnh vực đầu tư, đặc biệt liên quan đến đầu tư xây dựng và bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội hoặc là nhà ở. Thấy rất rõ là có những gói tín dụng đang ưu tiên cho lĩnh vực này.

Thứ ba là lĩnh vực tiêu dùng. Thông điệp của Chính phủ rất rõ, bây giờ phải kích cầu tiêu dùng. Chúng ta linh hoạt và phù hợp điều kiện cho vay tiêu dùng. Bây giờ khâu tổ chức thực hiện như thế nào mà thôi.

“Chúng ta đã tung ra rất nhiều gói chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ như vừa qua, bây giờ hãy thực thi cho thật tốt. Đây là động lực tăng trưởng rất quan trọng ngoài cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, TS Cấn Văn Lực nói.

Cùng với đó, phải hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tốt hơn đầu ra để xuất khẩu đỡ bị giảm giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh tiêu dùng; tập trung hơn nữa vào các động lực, các đầu tàu kinh tế của Việt Nam nhất là Hà Nội và TPHCM.

Châu Giang