Còn nhiều bất cập

Theo chia sẻ của nhiều đại diện HTX, chủ DN tại các diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông" do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với các huyện tổ chức, Nghị định số 98 vẫn còn nhiều bất cập dù đã triển khai được 5 năm. Theo cơ chế hỗ trợ sau đầu tư, mức hỗ trợ đối với trang thiết bị máy móc và cơ sở hạ tầng sản xuất chỉ tối đa 30% chi phí, nghĩa là các hợp tác xã phải đối ứng tới 70%. Điều này khó khả thi với mô hình kinh tế tập thể.

Theo đại diện Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín), phần lớn các nội dung hỗ trợ của chuỗi là hỗ trợ giống và vật tư cho các hộ trực tiếp sản xuất. Trong khi, HTX, DN chủ trì liên kết thì không được hưởng. Thay vào đó, họ chỉ hưởng lợi khi cung cấp giống, vật tư và thu mua sản phẩm, tuy nhiên lại chậm được thanh toán phần kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Các DN, HTX hiện nay càng khó chồng khó vì chậm được thanh toán kinh phí hỗ trợ, khiến việc cung ứng giống, vật tư không có lãi và thậm chí bị lỗ khi có biến động tăng giá.

Nhiều bất cập cản trở khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ
Các doanh nghiệp, hợp tác xã tại Hà Nội vẫn khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) là một trong những HTX lâu năm ở lĩnh vực nông nghiệp hiện hoạt động khá tốt, song chưa thể tiếp cận được vốn hỗ trợ từ Nghị định nêu trên. Theo Giám đốc HTX này, hồ sơ đề xuất hưởng lợi chính sách này vô cùng phức tạp.

Chẳng hạn, Nghị định 98 cũng chưa nói rõ về nguồn kinh phí hỗ trợ hạ tầng bằng nguồn kinh phí sự nghiệp hay nguồn đầu tư. HTX có thể được hưởng chi phí tư vấn liên kết 100%, trong đó có tư vấn xây dựng dự án liên kết và tư vấn nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, phương án sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường. Thế nhưng, hợp tác xã rất khó có thể tìm kiếm và hợp tác với các đơn vị tư vấn, đặc biệt là đơn vị tư vấn có năng lực.

Điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với thực tế

Theo Khảo sát của Sở NN&PTNT Hà Nội, đa số HTX của TP hiện vẫn chưa thể tiếp cận được chính sách hỗ trợ, vì các dự án liên kết thực hiện theo giai đoạn 3-5 năm. Mặt khác, thường thì quy định và hình thức chi, nguồn vốn cho hỗ trợ được đăng ký và phân bổ từng năm, gây khó cho việc giải ngân. Ngoài ra, thiên tai và giá cả biến động nên sản xuất nông nghiệp gặp rủi ro. Do đó, các hợp tác xã vẫn e ngại ký hợp đồng lâu dài với nông dân.

Nhiều DN, HTX kiến nghị Sở NN&PTNT Hà Nội và các cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ hoàn thành thủ tục để họ sớm được hưởng chính sách. Ngoài ra, Sở cần kiến nghị Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ cân nhắc giảm quy định về thời gian liên kết ổn định tối thiểu 5 năm còn 3 năm, hướng dẫn chi tiết về việc giải ngân từng danh mục và bố trí kinh phí riêng triển khai chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Sở đã tổng hợp vướng mắc và khó khăn từ cơ sở để điều chỉnh kịp thời, hoàn thiện chính sách phù hợp. Ngoài ra, cũng đang hỗ trợ nguồn vốn xây dựng đồng bộ chuỗi giá trị, tạo chính sách, và cơ chế để hỗ trợ nông dân, DN, HTX trong liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách và cơ chế kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu để gia tăng giá trị nông sản.