Bảo hiểm nhân thọ: Hiểu đúng để tránh thua thiệt (Bài 3)

Bài 3: Cần "sốc" lại thị trường bảo hiểm nhân thọ

Những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ dài cả trăm trang, không mấy ai đọc hết và đọc cũng không hiểu gì. Nhiều người đến ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm và ra về với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Và những ồn ào mãi vẫn chưa đi đến hồi kết...

Chỉ cần lên Google gõ câu hỏi: "Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) là gì?" bạn sẽ nhận được khoảng 26.100.000 kết quả chỉ trong 0,40 giây. Nhấp chuột vào bất kỳ kết quả nào, bạn cũng sẽ có ngay định nghĩa chuẩn: "BHNT (life insurance) là sản phẩm của công ty BHNT nhằm bảo vệ tài chính cho người được bảo hiểm trước các rủi ro liên quan sức khỏe, thân thể và tính mạng. Hợp đồng BHNT thường bao gồm các bên: Công ty bảo hiểm, Người được bảo hiểm, Bên mua bảo hiểm, Người thụ hưởng bảo hiểm…" (theo prudential.com.vn).

Thông tin rất nhiều, rất sẵn, rất dễ tìm, vì sao vẫn có những trước hợp không hiểu BHNT, không đọc hợp đồng BHNT rồi vẫn mua và phàn nàn về việc bị tư vấn sai?

Những ồn ào trên thị trường BHNT thời gian gần đây cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh BHNT mà ở đó khách hàng, đại lý, doanh nghiệp bảo hiểm và cơ quan quản lý đều có phần trách nhiệm của mình.

Trong buổi làm việc chiều 17/4 với đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) yêu cầu các DNBH khẩn trương, rà soát lại tổng thể các quy trình bán hàng và thẩm định tại doanh nghiệp, quy trình dịch vụ khách hàng bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Nghiêm túc thực hiện quy định về công khai thông tin về hoạt động nghiệp vụ bảo hiểm, đặc biệt là công khai thông tin liên quan tới nội dung khách hàng cần lưu ý đối với từng sản phẩm bảo hiểm theo quy định nhằm hỗ trợ khách hàng hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm đã tham gia. Kiểm soát các thông tin nêu tại bảng minh họa bán hàng, tài liệu giới thiệu sản phẩm; xử lý nghiêm các đại lý bảo hiểm tự ý thay đổi các thông tin nêu tại tài liệu này dẫn đến việc khách hàng nhầm lẫn, kỳ vọng về quyền lợi bảo hiểm không phù hợp với thực tế.

Bảo hiểm nhân thọ: Hiểu đúng để tránh thua thiệt (Bài 3)

DNBH phải tổ chức thiết lập và công bố đường dây nóng và các bộ phận thường trực với cán bộ có đủ thẩm quyền để tiếp nhận và giải đáp, xử lý dứt điểm, kịp thời các phản ánh/thắc mắc của khách hàng về hợp đồng bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, tránh kéo dài. Rà soát toàn bộ việc đào tạo đại lý bảo hiểm đảm bảo tuân thủ đúng chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm đã đăng ký với Bộ Tài chính; có hình thức đào tạo bổ sung, cập nhật kiến thức phù hợp đối với các đại lý bảo hiểm mà doanh nghiệp đã thực hiện đào tạo dưới hình thức trực tuyến trong giai đoạn vừa qua.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp BHNT rà soát lại quy trình bán các sản phẩm BHNT, có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng, hạn chế tình trạng nhân viên, đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm. Đối với nhóm vấn đề liên quan đến các yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của khách hàng khi tham gia BHNT, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cần xây dựng quy trình xử lý đối với các thông tin phản ánh liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi, cung cấp và xử lý các thông tin tiếp nhận qua các kênh thông tin phản ánh trực tiếp, đơn thư, đường dây nóng; đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng và nhiệm vụ được giao.

Văn bản pháp quy đầy đủ, thông tin rõ ràng nhưng nếu con người (ở đây là đại lý/nhân viên tư vấn và khách hàng) không hiểu hoặc đặt một kỳ vọng khác với mục tiêu chính của hoạt động BHNT là "bảo vệ tài chính cho người được bảo hiểm trước các rủi ro liên quan sức khỏe, thân thể và tính mạng" thì những rắc rối, vi phạm, ồn ào vẫn xảy ra. TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia lưu ý: “Sau những vụ việc như vừa qua, chúng ta cần rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự liên quan như đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn. Doanh nghiệp bảo hiểm cần rà roát chính sách, quy trình nội bộ cũng như xem lại rà roát lại mạng lưới đại lý, tư vấn bảo hiểm".

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích: "Thời hạn bảo hiểm 74 năm, thậm chí 90 năm không phải là vấn đề quan trọng, mà quan trọng ở đây là gói bảo hiểm gì và quyền lợi của khách hàng khi tham gia bảo hiểm như thế nào? Người tư vấn nói một đằng, trong hợp đồng lại thể hiện khác mà khách hàng vẫn nhắm mắt vào ký thì rõ ràng là quá rủi ro với khách hàng. Về nguyên tắc khi hợp đồng đã có hiệu lực pháp luật rồi thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng"

Theo lời khuyên của anh Nguyễn Đức Nam - đại lý BHNT đã có thâm niên hơn 20 năm - nếu ngại đọc cả bản hợp đồng hàng trăm trang, khách hàng chỉ cần đọc hết bản minh họa quyền lợi bảo hiểm chỉ dài khoảng 10 - 20 trang là có thể hình dung được toàn bộ quá trình bảo hiểm khi mình tham gia.

Thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, tỷ lệ thâm nhập BHNT (được tính bằng tổng phí BHNT trên GDP của Việt Nam) ở mức dưới 2% - thấp hơn nhiều so với mức bình quân trên thế giới là 3,3%. Tỷ lệ này cũng thấp hơn so với các nước trong khu vực như Malaysia 4%, Thái Lan 3,4%, Ấn Độ 3,2%... Những gì thị trường BHNT Việt Nam đang trải qua cũng là điều mà nhiều nước khác đã trải qua, ở giai đoạn ban sơ của thị trường BHNT tại quốc gia đó.

Bảo hiểm nhân thọ: Hiểu đúng để tránh thua thiệt (kinhtechungkhoan.vn)

An Thụy