ESG sẽ là xu hướng chủ đạo trong thập kỷ mới

Sự tác động mạnh của biến đậu khí hậu, sụt giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường khiến cho các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn về ESG. Hàng loạt quy định như giảm thải các-bon, sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, tài chế nguyên liệu thừa… trở thành yếu tố tính điểm ESG trong đơn hàng. Doanh nghiệp nào đạt chỉ số ESG cao thì càng nhận được nhiều đơn đặt hàng.

Tại Việt Nam đang có khoảng 785.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp. Thách thức trước mắt của các doanh nghiệp này là phải chuyển đổi “xanh”, nếu không sẽ bị đào thải. Yêu cầu phát triển bền vững đang rất cấp bách sau khi Việt Nam đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ tại Hội nghị COP26, cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Bộ tiêu chuẩn ESG quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp?
Tiêu chuẩn ESG ngày càng khét khe

ESG lan rộng tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Mỗi doanh nghiệp có cách thực hiện khác nhau, nhưng nhìn chung đều phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị. Khi các nhà đầu tư gia tăng giám sát, hay sự thay đổi về kỳ vọng của người tiêu dùng, thay đổi chính sách công… khiến cho các tiêu chuẩn về ESG trở thành xu hướng tất yếu. Theo đó, doanh nghiệp buộc phải cải thiện và tuân thủ các vấn đề liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị.

Chẳng hạn, với ngành dệt may, để ổn định sản xuất và hướng đến mục tiêu bền vững trong tương lai, đa số các doanh nghiệp đang thay đổi, nắm bắt xu hướng thị trường, đầu tư vào máy móc, công nghệ thân thiện môi trường nhằm thích ứng nhu cầu thị trường và ngày càng hoàn thiện. Doanh nghiệp dệt may cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị và chuỗi cung ứng, chuyển dần sang “xanh hóa”, sản xuất sợi mới từ gai và len để phát triển bền vững, quy trình sản xuất thân thiện hơn với môi trường, tạo ra những sản phẩm tái chế… để xuất khẩu sang những thị trường khó tính.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng đóng vai trò tiên phong trong xu hướng ESG này. Tạo lực đẩy lớn cho các doanh nghiệp là khách hàng của các ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.

Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) - Ông Phạm Như Ánh cho hay, MB cam kết thực hiện chiến lược ESG một cách bài bản và theo chuẩn đo lường quốc tế. Tín dụng xanh của nhà băng được xác định là cho vay các dự án năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp chuyển đổi nhằm tiết kiệm năng lượng hay hạn chế xả thải, cho vay dự án xử lý môi trường…

Bộ tiêu chuẩn ESG quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp?
MB cam kết thực hiện chiến lược ESG một cách bài bản và theo chuẩn đo lường quốc tế

Ông Ánh chia sẻ: “Thời gian qua, MB đã tài trợ cho nhiều dự án tín dụng xanh, gồm các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…, hay những dự án chuyển đổi như đầu tư xe điện, chuyển đổi công nghệ..., tổng quy mô đã giải ngân đạt khoảng 50.000 tỷ đồng”.

Không chỉ là cam kết suông

Trên thực tế, vòng đời phát triển của các ngành nghề và doanh nghiệp sẽ phải trải qua các giai đoạn khác nhau, ở mỗi giai đoạn lại có một bối cảnh cạnh tranh mới, đòi hỏi doanh nghiệp phải có nguồn lực cạnh tranh mới. Đối với doanh nghiệp đã niêm yết, họ ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của ESG trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên giữa nhận thức và hành động vẫn còn khoảng cách khá lớn.

PwC vừa công bố Báo cáo “Các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam - Mức độ cam kết ESG và thực hành báo cáo phát triển bền vững”, cho thấy các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có mức độ cam kết cao, song họ đã thận trọng hơn khi triển khai ESG. Tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93% trong khi mức trung bình là 80%, nhưng chỉ 35% doanh nghiệp đã thiết lập kế hoạch ESG, 58% doanh nghiệp đang và sẽ lập kế hoạch trong vòng 2 - 4 năm tới.

Theo Lãnh đạo Công ty cổ phần Bánh Kẹo Hải Hà (mã HHC), dù nhìn nhận khá rõ yêu cầu về ESG có tác động kinh tế rõ ràng, tuy nhiên quá trình chuyển đổi tại doanh nghiệp đang diễn ra khá chậm vì chưa hiểu rõ về những tiêu chuẩn báo cáo và sự phức tạp trong quy định.

Thậm chí, những doanh nghiệp lớn trong ngành như Công ty cổ phần Kido (mã KDC) cũng cho biết, cần có một quá trình dài hơi để áp dụng yêu cầu về ESG, buộc doanh nghiệp phải thay đổi rất nhiều, từ tư duy quản trị tới quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm…

Bộ tiêu chuẩn ESG quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp?
Doang nghiệp có chỉ số ESG càng càng thì càng nhận được nhiều đơn hàng

Được biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đã cố gắng thay đổi cách thức vận hành, quản trị hướng đến những tiêu chí chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, tái chế sản phẩm đã qua sử dụng như thủy tinh, nhựa, bao bì, bao ni lông… Tuy nhiên vẫn còn những tiêu chí cần phải bổ sung và khắc phục như chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), tăng cường các thông tin/báo cáo bằng tiếng Anh.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng cần chủ động tích hợp những nguyên tắc trong ESG vào hoạt động, tận dụng tối đa cấu trúc vốn và nguồn lực sẵn có của mình.

Nếu doanh nghiệp coi ESG như một cơ hội thúc đẩy kinh doanh chứ không chỉ là nghĩa vụ hay trách nghiệm, thì phải chủ động thực hiện. Như vậy, ngoài việc doanh nghiệp nỗ lực thì cơ quan quản lý cần xây dựng những chính sách rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi ESG, kèm theo hướng dẫn chi tiết về phương thức báo cáo phát triển bền vững.