Cần học cách đối mặt với tin đồn
Ảnh minh họa.

Tin đồn ập đến, cổ phiếu lao đao

Ngày 19/06, sáng mở mắt, nhà đầu tư cổ phiếu IDJ không hiểu vì sao cổ phiếu rơi mạnh, nằm sàn rồi hồi sau đó sàn với khối lượng xả ra 11,8 triệu cổ phiếu. Một tuần sau, mã VIX có biến vào ngày 26/06 bị xả nằm sàn rồi rút chân với khối lượng 68,5 triệu cổ. Tiếp tục rơi thêm 3 nến dẫn đến -15% tính từ đỉnh (Tương tự với GEX, VGG). Mã VND của Công ty chứng khoán VNDirect có biến vào ngày 06/07 bị xả mạnh 105 triệu cổ, rơi cận sàn. Rồi sau đó rung lắc, rơi thêm khoảng 6%. VNDirect vướng khoản dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của Trung Nam group vốn đang gặp khó khăn và dính tin đồn chủ tịch bị cấm xuất cảnh vào đúng ngày 6/7 khiến mã cổ phiếu của CTCK hàng đầu bị giảm sàn, mất tới một tuần mới phục hồi nhẹ. Bồi thêm vào đó là thông tin về khoản vay 10.000 tỷ đồng của VNDirect tại Ngân hàng TMCP Vietcombank được cho là để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu càng khiến nhà đầu tư hoang mang.

Đến 14/7, tin đồn có kèm tấm ảnh được cho là công văn xin bảo hộ phá sản của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) cùng với thông tin trong số 4.300 tỷ đồng dư nợ có tới 3.000 tỷ đồng của Sacombank đã khiến không chỉ mã STB của Sacombank bị bán tháo mà có những broker (nhân viên tư vấn) chứng khoán còn tư vấn nhầm sang một mã khác chả liên quan: Bamboo Capital - mã BCG. Trong khi trên thực tế mã BAV của Bamboo Airways chưa được lên sàn. Trước đó chưa lâu, cũng do tin đồn mã SCB của Ngân hàng Sài Gòn là của Sacombank, người gửi tiền đã giăng băng rôn đòi tiền trước cửa Sacombank, khiến ngân hàng này phải liên tục thông báo Sacombank là STB, không phải SCB. Trong số 4 vụ việc xảy ra một tháng qua liên quan tới tin đồn thì chỉ có duy nhất vụ rớt giá IDJ là đến nay xác định được những vi phạm của nhóm cổ phiếu này (cổ phiếu họ APEC) cần xử lý. Tin đồn liên quan đến các mã còn lại VIX, VND và mới đây nhất là STB cho đến thời điểm này chưa có gì xác thực. Các doanh nghiệp liên quan đều công bố hoạt động bình thường. Thế nhưng, cổ phiếu thì mất hàng chục % thị giá, lòng tin của nhà đầu tư suy giảm, hàng hóa (cổ phiếu) bị bán tháo và thị trường chao đảo theo tin đồn.

Làm gì để tránh mất hàng?

Chỉ một giờ sau khi có tin đồn liên quan đến Bamboo Airways và Sacombank, VN-Index đã hồi phục, ngay cả mã STB cũng thoát sàn. Tương tự, tuần trước đó, VND cũng thoát sàn trong gang tấc, dù mất hàng tuần để thị giá phục hồi. Thế nhưng, hàng trăm triệu cổ phiếu VND, STB, BCG bị bán tháo, nhà đầu tư đang nắm giữ những mã này bỗng chốc vừa mất tiền, vừa mất hàng. Một số nhà đầu tư nhìn nhận: đây là độc chiêu của các "cá mập" (nhà đầu tư lớn) tạo rung lắc để hốt hàng, dựa trên tâm lý theo số đông của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Thông thường, tin đồn được tung ra sau khi có những thông tin không có lợi liên quan đến một doanh nghiệp được công bố chính thức. Ở trường hợp của VNDirect là thông tin về khoản vay Vietcombank. Còn ở trường hợp Sacombank là Thông báo Kết luận thanh tra của Thanh tra đối với hoạt động của một số ngân hàng. Mặc dù hầu hết các khoản vay được nhắc đến đều không còn dư nợ, trừ con số 2.335 tỷ đồng của Bất động sản Dấu Ấn Sài Gòn, nhưng từng đó đủ để tin đồn về 3.000 tỷ đồng cho Bamboo Airways vay trở nên có sức nặng "ngàn cân"

Theo tư vấn của các chuyên gia, để tránh mất hàng khi thị trường chao đảo do tin đồn, cũng đồng thời tránh việc không thoát hàng kịp khi cổ phiếu thực sự sa sút, người đầu tư nên theo dõi diễn biến trong phiên với sự thay đổi của các loại nến. Nếu như giá cổ phiếu xuống dưới ngưỡng an toàn thì cần nhanh chóng bán ra để bảo toàn vốn. Nếu không vi phạm ngưỡng an toàn, nhà đầu tư không nên đưa lệnh bán để tránh mất hàng.

Đối với doanh nghiệp và cơ quan chức năng, nếu thực sự chưa có thông tin xấu từ doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần sớm phát đi thông báo phủ nhận tin đồn, như cách đã làm

Như cách đã làm với Bamboo Airways cuối tuần qua. Bản thân doanh nghiệp cũng cần lên tiếng bảo vệ mình để tránh mất vốn và ảnh hưởng uy tín sau tin đồn.