Theo ông Lê Hồng Khang, Giám đốc Xếp hạng Tín nhiệm, FiinRatings chia sẻ tại Hội thảo về giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp & Lễ ký kết hợp tác giữa FiinRatings và PVIAM ngày 21/9, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 vẫn khá trầm lắng.

Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp kể từ đầu năm đạt hơn 140 nghìn tỷ và phần lớn là hình thức phát hành riêng lẻ. Điều này có thể hiểu được vì khẩu vị của nhà đầu tư đã thay đổi trong bối cảnh kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Hơn nữa, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cũng giảm, ngoài nhu cầu về vốn. Thế nhưng, con số đạt 140 nghìn tỷ vẫn rất đáng khích lệ.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lên tới 12-15%: Liệu có phải bất thường?
Hội thảo về giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp & Lễ ký kết hợp tác giữa FiinRatings và PVIAM

Trong 2 năm qua, đã có sự thu hẹp đáng kể về quy mô của thị trường khi giảm 25% so với mức đỉnh cuối năm 2021, còn 1,2 triệu tỷ đồng. Bên cạnh những nguyên nhân có thể kể tới như trái phiếu đến hạn hay khối lượng phát hành mới sụt giảm thì còn có lý do khách nổi bật như hoạt động mua lại trái phiếu diễn ra cấp tập thời gian qua.

Điều đó chỉ ra dấu hiệu là thanh khoản của doanh nghiệp vẫn khá tốt, tuy nhiên cũng phần nào do diễn biến không thuận lợi khiến họ phải mua lại trái phiếu trước hạn, tác động đến kế hoạch kinh doanh ban đầu.

Sức ép đáo hạn trái phiếu trong năm 2024 vẫn còn lớn, không kém so với năm 2023. Bất động sản đến hạn chiếm tới 50% trong số trái phiếu doanh nghiệp. Đó là thách thức lớn đối với cả doanh nghiệp địa ốc và ngành liên thông.

Khối lượng trái phiếu chậm thanh toán tính đến tháng 6/2023 là khoảng 27% và có thể tăng lên. Thế nhưng, điểm nổi bật là 65% trái phiếu về việc chậm trả đã đi đến thỏa thuận với giới đầu tư như tái cấu trúc và gia hạn thời gian trả. Theo đó, các thành viên tham gia thị trường đã ngồi lại với nhau để đưa ra biện pháp giải quyết vấn đề, cùng đạt được lợi ích nhằm tránh đổ vỡ hàng loạt và khiến nhà đầu tư chịu thiệt hại.

Ông Khang nói: "Chúng tôi kỳ vọng với các nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong giảm lãi suất cho vay, cũng như việc tháo gỡ cho bất động sản thì thị trường sẽ hồi phục trong thời gian tới, vì đây vẫn là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế”.

Bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng Giám đốc PVIAM nhìn nhận về khả năng hồi phục của thị trường, cho biết gần như không thể đầu tư trong nửa đầu năm 2023, khi thị trường gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, các tổ chức phát hành từ tháng 7 và 8 đã có kế hoạch huy động vốn trở lại và PVIAM cũng đã giải ngân 2 deal (thương vụ), khoảng 1.000 tỷ đồng.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lên tới 12-15%: Liệu có phải bất thường?
Nhiều doanh nghiệp vẫn không đạt được thoả thuận giãn hoãn thời hạn trả nợ

Điều này chỉ ra tín hiệu bắt đầu hồi phục của thị trường. Bà nói: “Thực tế, nhu cầu luôn có, ở cả bên phát hành và bên đầu tư. Hiện nay quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhỏ, so sánh với các nước lân cận là rất thấp. Do đó, tôi tin rằng, chúng ta đã qua giai đoạn khủng hoảng và có những bước hồi phục dần dần”.

Sự hồi phục của thị trường trái phiếu hiện nay cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu sự trở lại đó có chất lượng và lành mạnh sau những cú sốc và thậm chí là khủng hoảng hay không. Đáng chú ý, việc mua lại, phát hành trái phiếu đảo nợ có tác động tiêu cực đến thị trường?

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, nhiều doanh nghiệp vẫn không đạt được thoả thuận giãn hoãn sau khi Nghị định 08 được ban hành. Theo ông, mọi người thực tế kỳ vọng rằng doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn nhằm phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Thế nhưng, hoạt động phát hành trái phiếu để tái cấu trúc khoản nợ, đảo nợ là bình thường. Trong khi ngân hàng thừa tiền thì nhiều doanh nghiệp lại không thể xin giãn hoãn nợ, do đó thời gian qua chứng kiến đa số tổ chức mua trái phiếu là ngân hàng.

“Thị trường này phải có thanh khoản và nên chấp nhận đó là chức năng của thị trường. Nhìn vào khối lượng trái phiếu đáo hạn sắp tới thì tôi cho rằng diễn biến này vẫn còn tiếp diễn, thực tế là nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ”.

Ông Thuân cho biết tình trạng đảo nợ sẽ còn xảy ra bởi vẫn còn lượng lớn trái phiếu bất động sản sắp đáo hạn và đa số trong đó không thể trả nợ. Tuy nhiên, cũng cần xem đó là diễn biến hết sức bình thường. Trong khi đó, có lẽ chưa thể kỳ vọng việc phát hành bền vững theo hướng phát hành trái phiếu để sản xuất kinh doanh bởi điều đó cần thêm thời gian và giải pháp hơn nữa.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lên tới 12-15%: Liệu có phải bất thường?
Lãi suất phát hành thời gian qua cũng là một vấn đề khác rất được quan tâm

Trên thị trường trái phiếu, lãi suất phát hành thời gian qua cũng là một vấn đề khác rất được quan tâm. Dù lãi suất huy động các nhà băng liên tục đi xuống, song lãi suất của nhiều lô trái phiếu vẫn khá cao, lên tới 12-15%. Tình trạng này gây lo ngại cho nhiều nhà đầu tư, và liệu đó có phải bất thường không.

Theo bà Trịnh Quỳnh Giao đưa ra nhận định, có nhiều yếu tố tác động đến lãi suất trái phiếu như thanh khoản, rủi ro của tổ chức phát hành, ngành nghề lĩnh vực hay sức khỏe tài chính… Tại thời điểm phát hành trái phiếu, doanh nghiệp hoàn toàn không có vấn đề gì, chỉ đơn giản là họ cần tiền đó cho một dự án nào đó.

Bên cạnh việc đánh giá tổ chức phát hành, còn có yếu tố bảo lãnh, bảo đảm thanh toán… cùng những yếu tố mới hình thành tạo nên lãi suất ra sao. Sẽ chưa thể đánh giá được nếu chỉ nhìn vào con số về lãi suất.

“Trở lại với con số 12-15% có cao hay không? Giả sử tại thời điểm đó doanh nghiệp bất động sản kiếm ra được lợi nhuận, họ huy động 15% nhưng kiếm ra 30-40% thì việc huy động lãi suất như vậy là không cao, thậm chí 20% cũng hoàn toàn bình thường”.