Mặt bằng lãi suất ngân hàng sẽ tiếp tục giảm?

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD trong quý II năm 2023.

Theo đánh giá của các TCTD, nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong quý I năm 2023 có cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng. Các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý II năm 2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Theo nhận định của các TCTD, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý I năm 2023 tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt” và đã có sự cải thiện rõ rệt so với quý 4 năm 2022. Các TCTD dự báo tình hình thanh khoản sẽ giữ ổn định trong quý II năm 2023 và tiếp tục được cải thiện trong năm 2023 so với năm 2022.

Trái ngược với dự báo tăng nhẹ mặt bằng lãi suất trong quý I năm 2023 và cả năm 2023 của kỳ điều tra trước, tại kỳ điều tra này, các TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm nhẹ 0,08 - 0,1 đpt trong quý II/2023 và giảm nhẹ 0,19 - 0,34 đpt trong cả năm 2023.

Trái với dự kiến tăng lãi suất biên trong quý I/2023 của 32,7% TCTD ở cuộc điều tra kỳ trước, kết quả điều tra kỳ này cho thấy, các TCTD đã giữ ổn định lãi suất biên và phí dịch vụ trong quý I/2023.

Cùng với đó, theo điều tra của Ngân hàng Nhà nước, đúng như dự báo ở kỳ điều tra trước, mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD nhận định tiếp tục tăng nhẹ trong Quý I/2023 và dự báo xu hướng tăng nhẹ trong năm 2023 nhưng tốc độ tăng kỳ vọng chậm lại so với các năm trước.

Trong đó, 36,5% TCTD dự báo MBRR “ổn định”, 21,2% dự báo “giảm” và 42,3% TCTD dự báo mức độ rủi ro chung của các nhóm KH “tăng” trong năm 2023 so với năm 2022. Trong đó, cần quan tâm nhóm công ty cổ phần, TNHH, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về huy động vốn toàn hệ thống TCTD, được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý II/2023 và tăng 9,2% trong năm 2023, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 10% tại kỳ điều tra trước.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4% trong quý II/2023 và tăng 13,1% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6 đpt so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.

Tại cuộc điều tra này, các TCTD nhận định “tăng nhẹ” tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý I năm 2023 nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện hơn trong quý II năm 2023.

Theo kết quả điều tra, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý I năm 2023 có sự ”cải thiện” nhưng tốc độ cải thiện có chậm lại so với quý trước. Các TCTD đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.

Tuy nhiên, 66,7-79,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2023; 88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ trước), bên cạnh đó, vẫn có 5,7% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 5,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Trong quý I năm 2023, các TCTD tiếp tục đánh giá các nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng. “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” cùng với “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được kỳ vọng là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý I năm 2023 và cả năm 2023.

Trước đó, tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác; điều hành tỷ giá phù hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.

Châu Giang