Cụ thể, theo dự kiến phát hành tối đa 5 đợt, khối lượng phát hành dự kiến mỗi đợt tối thiểu 50 tỷ đồng. Thời gian phát hành dự kiến từ quý 3 - 4/2023. Kỳ hạn trái phiếu từ 1 - 5 năm.

Lãi suất được quyết định cụ thể đối với mỗi đợt phát hành, trên cơ sở tình hình thị trường, khả năng chấp nhận/nhu cầu vốn của BIDV tại thời điểm phát hành. Lãi trái phiếu được trả sau, định kỳ hàng năm hoặc tùy theo quy định của ngân hàng tại mỗi đợt phát hành. Gốc trái phiếu được trả 1 lần vào ngày đáo hạn, trừ trường hợp trái phiếu được ngân hàng mua lại trước hạn hoặc tùy theo quy định của BIDV tại mỗi đợt phát hành.

Được biết, số tiền thu được từ các đợt phát hành trái phiếu được BIDV sử dụng để cho vay khách hàng trong nền kinh tế. Trái phiếu này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo và không phải nợ thứ cấp của BIDV.

Trước đó, vào tháng 6/2023 BIDV cũng thông báo về việc phát hành 8.100 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo để tăng vốn cấp hai trong thời gian từ tháng 6 đến hết tháng 9/2023.

Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ ngày 29/6 tới ngày 5/9, ngân hàng này đã phát hành tổng cộng 6 đợt trái phiếu có mệnh giá 1 tỷ đồng với lãi suất từ 6,7% đến 7,7%. Tổng khối lượng phát hành là 2.545 trái phiếu, qua đó huy động 2.545 tỷ đồng.

Về bức tranh tài chính tại BIDV, 6 tháng đầu năm 2023, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 13.862 tỷ đồng, tăng 26% so với nửa đầu năm 2022.

Trong quý II, Ngân hàng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Cụ thể, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV ghi nhận đạt 11.135 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Đồng thời, chi phí hoạt động ghi nhận 6.370 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 5%, xuống còn hơn 23.581 tỷ đồng. Việc sụt giảm lợi nhuận là do một số mảng kinh doanh ghi nhận tăng trưởng thấp hoặc giảm mạnh so với cùng kỳ khiến tổng thu nhập hoạt động của BIDV chỉ tăng 1,2% nhưng chi phí hoạt động lại tăng 17,7%.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần tăng nhẹ 1,1%, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm 56% mang về gần 29 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ mảng dịch vụ và ngoại hối ghi nhận tăng trưởng 14,8% và 20,5%, lần lượt mang về 3.189 tỷ đồng và 1.457 tỷ đồng. Riêng mảng mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lãi gần 180 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 67,8 tỷ đồng.

Đáng chú ý, BIDV chỉ trích 9.719 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 30% so với 6 tháng đầu năm 2022, do đó Ngân hàng lãi trước thuế hơn 13.863 tỷ đồng, tăng 26% so với nửa đầu năm 2022.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của BIDV tăng nhẹ 0,2% lên 2,124 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 16% xuống còn 11.488 tỷ đồng, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 57% xuống còn 47.636 tỷ đồng, tiền gửi tại TCTD khác giảm 8% xuống còn 186,326 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 7% lên gần 1,63 triệu tỷ đồng…

Ở phía nguồn vốn, các khoản nợ Chính phủ, NHNN giảm 66% xuống còn 51.539 tỷ đồng, tiền gửi của các TCTD khác tăng 16% lên 158.440 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 5% lên gần gần 1,55 triệu tỷ đồng.

Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết trong cơ cấu tín dụng, tín dụng doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng 7,3%, tương ứng với tăng tuyệt đối 60.000 tỷ đồng. Dư nợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 40% tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp cũng đạt mức tăng trưởng 7,2%.

Về chất lượng tài sản, tính đến ngày 30/6, số dư nợ xấu của BIDV tăng hơn 47%, lên 25.970 tỷ đồng, một nửa trong số đó là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) với gần 13.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,16% ở thời điểm đầu năm lên mức 1,59%.

Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, BIDV đưa ra mục tiêu kinh doanh 2023 với dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 10-15% , phù hợp với diễn biến thị trường, năng lực của BIDV và phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 1,4%. Dư nợ tín dụng tăng trưởng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao. Huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng; bảo đảm an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại tỷ lệ nợ xấu đã vượt quá kế hoạch đề ra.

Ngân hàng BIDV sắp phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ
Ngân hàng BIDV sắp phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ

Bên lề, nhiều ngân hàng cũng có kế hoạch phát hành và mua lại trái phiếu trong những tháng cuối năm. Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã chứng khoán: ABB) đã thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 6.000 tỷ đồng. Loại trái phiếu này không chuyển đổi, không kèm theo chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và có kỳ hạn từ 1 đến 5 năm. Lãi suất trái phiếu này sẽ được quyết định dựa trên tình hình thị trường và nhu cầu vốn của ABBank tại thời điểm phát hành. Dự kiến sẽ có tối đa 10 đợt phát hành, với mỗi đợt tối đa là 2.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã chứng khoán: LPB) cũng thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ tối đa 10.000 tỷ đồng. Kế hoạch này sẽ được thực hiện qua 5 đợt, với tổng giá trị dự kiến là 4.500 tỷ đồng. Dự kiến các đợt phát hành sẽ diễn ra vào tháng 9 và 10 năm 2023. Trái phiếu này cũng không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, và có kỳ hạn từ 2 đến 3 năm. Lãi suất cụ thể của từng đợt phát hành sẽ được xác định dựa trên điều kiện thị trường.

Theo Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8 (đến ngày 25/8/2023), có tổng cộng 15 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị là 13.555 tỷ đồng. Trong số này, 10 đợt phát hành trái phiếu do các ngân hàng thực hiện với tổng giá trị hơn 12.000 tỷ đồng.

Riêng trong tháng 8, BIDV đã phát hành được 700 tỷ đồng trái phiếu, trong đó 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 20 năm với lãi suất 7,7%/năm; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành được 6.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất 6,5%/năm; Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) phát hành được 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 7,5%/năm; Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) phát hành được 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm.