Lượng hàng tồn kho bất động sản cao cấp lớn

Hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam đang có lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ phân khúc căn hộ cao cấp, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hay những dự án có vị trí điều kiện hạ tầng không thuận lợi,… Đặc biệt, những căn hộ bình dân đã dần như biến mất tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thay vào đó là các sản phẩm hạng sang, cao cấp chiếm 56%.

Dù đã gần về những tháng cuối năm nhưng thanh khoản của thị trường bất động sản vẫn chưa thể sôi động trở lại, dù có hàng loạt các chính sách ưu đãi, chiết khấu khủng được các doanh nghiệp tung ra khiến cho bài toán hàng tồn kho ngày càng trở nên nan giải, gây áp lực cho các chủ đầu tư.

Báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, cả nước hiện có khoảng 16 dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng chào bán, cung cấp ra thị trường khoảng 970 sản phẩm, tăng gấp đôi so với quý trước, nhưng chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung chủ yếu tập trung ở khu vực miền Trung và miền Nam.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” pháp lý để người nước ngoài tiếp cận nhà ở
Thị trường bất động sản đang "tồn kho" lớn các sản phẩm biệt thự, nghỉ dưỡng cao cấp. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ bằng 23%, tương đương với 225 giao dịch, chỉ bằng 1/10 cùng kỳ, do sức cầu thị trường vẫn chưa được cải thiện. Hàng tồn kho toàn các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng giá quá cao.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, việc khuyến khích người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam không chỉ tạo điều kiện cho họ yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Mà còn tạo điều kiện thuận lợi thu hút và thúc đẩy phát triển đầu tư, "giữ chân" một lượng lớn nhân sự trình độ cao đến Việt Nam làm việc.

“Khuyến khích người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam sẽ góp phần phần thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài, giải quyết lượng lớn tồn kho bất động sản cao cấp khó thanh khoản. Tuy nhiên cũng cần có sự kiểm soát nhất định khi triển khai chính sách này”, ông Đính chia sẻ.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” pháp lý để người nước ngoài tiếp cận nhà ở
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam

Các chuyên gia nhận định, nhu cầu mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài tăng lên, nhiều người tìm kiếm cơ hội phát triển và xác định làm ăn lâu dài tại đây đang gia tăng. Trong những năm gần đây, Việt Nam đón nhận hàng loạt các “đại bàng” lớn đầu tư với số vốn quy mô lớn liên tục đổ bộ. Dòng vốn FDI chảy mạnh đã làm số lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng nhiều lên.

Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan,… cũng là cơ hội thúc đẩy người nước ngoài mua hoặc sở hữu nhà tại Việt Nam. Đặc biệt là các sản phẩm như bất động sản nhà ở, thương mại, nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp đang là những phân khúc thu hút các nhà đầu tư lớn.

Hiện nay, Việt Nam đang cần một khối lượng lớn nhân sự có trình độ cao, chính vì vậy những người nước ngoài vào làm việc tại đây sẽ là một trong những nguồn lực tốt và tiềm năng. Tuy nhiên, nếu muốn “giữ chân” họ để giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam thì phải đảm bảo cho họ có một cuộc sống tại đây tốt đẹp, tức là họ phải mua được nhà.

Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý để người nước ngoài tiếp cận nhà ở

Để thị trường bất động sản Việt Nam mở rộng hơn cần tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư và đón nhận nhiều người nước ngoài đến sinh sống và làm việc hơn. Trong đó, các quy định pháp luật cần cởi mở hơn, cụ thể hơn thay vì gia tăng các cản trở và tiếp tục cải thiện nguồn cung nhà ở, xây dựng các sản phẩm phù hợp nhu cầu nhà ở và đầu tư của người nước ngoài tại những khu vực cho phép.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc kinh doanh CBRE Việt Nam cho rằng, việc người nước ngoài được mua nhà và được cấp sổ tại Việt Nam đang gặp rất nhiều trở ngại lớn. Có khoảng 90% người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chưa nhận được sổ hồng của chung cư mà họ đầu tư. Rào cản pháp lý là một trong những yếu tố gây cản trở trong tâm lý người nước ngoài, cũng như kìm hãm dòng ngoại hối đổ vào bất động sản, do đó cần phải tìm cách tháo gỡ những vấn đề này.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” pháp lý để người nước ngoài tiếp cận nhà ở
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc kinh doanh CBRE Việt Nam

Theo ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Việt Nam đang có nhiều quan điểm, đề xuất về việc tăng tỷ lệ sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài. Nhận thấy nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam tăng cao.

Do vậy, Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu để sửa đổi các luật quan trọng đối với thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,… theo hướng phù hơn hơn với tình hình thực tế.

Ngoài ra, việc bán nhà cho người nước ngoài sẽ giải quyết được vấn đề tồn kho lớn, đặc biệt là các bất động sản cao cấp khó thanh khoản. Đặc biệt là các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phù hợp với khả năng chi trả của người nước ngoài, sẽ giúp thị trường này trở nên sôi động hơn.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập và phát triển nên việc mở rộng cho người nước ngoài mua nhà là chuyện hết sức bình thường, do đó cần nới lỏng các luật pháp để cho họ có cơ hội tiếp cận được nhà ở và chúng ta vẫn có thể kiểm soát được. Việc khuyến khích người mua và đầu tư vào căn hộ cao cấp tại các thành phố lớn và khu du lịch cũng là cách xuất khẩu tại chỗ.

Thông qua việc khuyến khích tăng tỷ lệ sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam cũng là cách để thúc đẩy mạnh mẽ thị trường địa ốc tại Việt Nam. Thu hút đầu tư đến từ thị trường quốc tế, tạo xung lực mới cho thị trường bất động sản Việt Nam, hướng đến phát triển thị trường bền vững trong giai đoạn hội nhập./.