Trong đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược này là phát triển VAMC thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ và có đủ năng lực, nguồn lực thực hiện mua, bán, xử lý nợ xấu, định giá, đấu giá tài sản.

Cũng theo Quyết định, đến hết năm 2020, VAMC phải hoàn thành về cơ bản xử lý số nợ xấu đã mua (không tính các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống).

Cũng trong giai đoạn 2019-2020, NHNN đặt mục tiêu hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó, VAMC là trung tâm xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

0142-san-giao-dych-no
Hình minh họa

Trong giai đoạn 2021-2025, NHNN yêu cầu VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ. Xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/tài sản tại VAMC...

Cũng trong giai đoạn này, cơ quan quản lý tiền tệ yêu cầu VAMC hoàn thành chỉ tiêu mua nợ theo giá trị thị trường được phê duyệt, kế hoạch hàng năm hoàn thành vượt chỉ tiêu 5-10%.

Với giai đoạn 2026-2030, NHNN đề xuất mở rộng lĩnh vực hoạt động của VAMC, hướng tới việc mua, bán nợ và tài sản của mọi thành phần trong nền kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và khai thác tài sản, tư vấn môi giới mua bán tài sản, định giá tài sản...

VAMC được phép hoạt động đầu tư tài chính, hướng tới xây dựng VAMC thành một định chế có vai trò trung gian thực hiện các dịch vụ như tư vấn tài chính, đối tác xây dựng chiến lược cho các nhà đầu tư trên cơ sở hiểu biết về mục tiêu, các ngành kinh tế, ngành công nghiệp. Công ty được đề xuất thực hiện hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp và mua bán, sáp nhập.

NHNN cho biết sẽ trình các cấp có thẩm quyền bổ sung vốn điều lệ cho VAMC lên 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2021 để nâng cao năng lực tài chính và khả năng mua bán nợ.

NHNN cũng đề xuất cho VAMC được huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật.

Hoàn thiện pháp lý để thu hút nhà đầu tư

Do Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, số lượng đơn vị tham gia mua bán nợ còn hạn chế, chủ yếu là công ty xử lý nợ của các NH thương mại (AMC), VAMC, Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC)… nên nhiều khoản nợ không dễ xử lý.

Nói về sàn giao dịch mua bán nợ tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11 mới đây, Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú cho hay dựa trên đề xuất của VAMC, NH Nhà nước đang xem xét để có thể triển khai sàn giao dịch này. Bởi hoạt động mua bán nợ xấu của VAMC đang diễn ra rất tích cực. Khi đủ điều kiện công nghệ và điều kiện cho phép, NH Nhà nước sẽ cấp phép giao dịch nợ xấu trên sàn. Đó là điều kiện thúc đẩy, phát triển thị trường mua bán nợ xấu nước ta.

Theo Phó Tổng giám đốc một NH cổ phần, nếu có sàn giao dịch mua bán nợ, các thương vụ mua bán nợ sẽ được minh bạch hơn, cả người bán và người mua có thể tìm hiểu thông tin rõ ràng hơn. Từ đó, các NH thương mại cũng mạnh dạn đẩy mạnh rao bán nợ xấu. Trong bối cảnh dịch Covid-19, tình hình của nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, dù Thông tư 01 cho phép NH thương mại được cơ cấu lại nợ nhưng sớm muộn các khoản nợ xấu tiềm ẩn cũng phải được "tính đúng, tính đủ". Khi đó, nếu sàn giao dịch đi vào hoạt động sẽ góp phần rất lớn giúp các NH xử lý nợ nhanh hơn.

Ở góc độ nhà đầu tư, lãnh đạo một số NH nhìn nhận nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm đến thị trường mua bán nợ và các khoản nợ của NH thương mại. Nhưng trước nay họ e ngại về tính pháp lý, nếu nay thông qua sàn, nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn.

Trao đổi với báo chí chiều ngày 8/12, TS Nguyễn Quốc Anh, Khoa NH Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng việc thành lập sàn giao dịch mua bán nợ là xu hướng tất yếu trong hội nhập. VAMC làm đầu mối cũng là định hướng đúng. Tuy nhiên, cùng với việc tạo lập khung pháp lý cho thị trường ra đời, vấn đề cốt lõi là phải tạo điều kiện để nhiều đối tượng, thành phần cùng tham gia.

Ở các nước, sàn mua bán nợ thu hút rất đông thành phần tham gia, không chỉ nhà đầu tư tư nhân mà có cả các quỹ đầu tư mạo hiểm và DN. Việt Nam cũng có thể nghiên cứu một số mô hình sàn giao dịch nợ của nước ngoài để tạo lập thị trường và khung pháp lý cho nhiều thành phần tham gia. "Có điều, nhà đầu tư nước ngoài khi nhảy vào mua bán nợ xấu của DN thường nhằm để cứu, hồi sinh DN đó, sau một thời gian sẽ đem bán. Trong khi ở Việt Nam, nhiều khoản nợ xấu do yếu tố chủ quan khi DN nhà nước làm ăn yếu kém, thua lỗ… do đó muốn hút vốn tư nhân vào cùng mua bán nợ cần sự hỗ trợ của nhà nước để xử lý dứt điểm nợ xấu. Như việc bán nợ ở các DN nhà nước, thực chất là tài sản công, sẽ đụng vấn đề pháp lý" - TS Nguyễn Quốc Anh phân tích.

Nhiều chuyên gia, lãnh đạo NH kiến nghị để thị trường mua bán nợ sớm hình thành và thật sự hấp dẫn, trở thành nơi thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu, cần nỗ lực không chỉ của VAMC, NH thương mại mà cả bộ, ban ngành cùng hỗ trợ. Như Nghị quyết 42 của Quốc hội đến nay sau nhiều năm triển khai cần được sửa đổi để quá trình xử lý nợ xấu được thúc đẩy nhanh hơn.

Everpia chuyển hướng kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử

Công ty cổ phần Everpia (HoSE: EVE) thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản bổ sung ngành nghề kinh doanh sàn giao ...

Giá Bitcoin hôm nay 22/8: Quay đầu giảm giá

Giá Bitcoin hôm nay (22/8) quay đầu giảm giá xuống còn 11.500 USD, kéo theo sự sụt giảm của nhiều đồng tiền kĩ thuật số ...

Nhà đầu tư thông thái lựa chọn sàn giao dịch như thế nào?

Khi thử truy cập địa chỉ website DK Trade, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng tìm hiểu thông tin, có thể xem qua Điều ...