Tránh để thuế TNCN là gánh nặng của người dân

Chị Phùng Thị Quyên (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm) vừa có tin nhắn nhận lương đã lập tức chi trả các khoản cố định hàng tháng như tiền điện, nước, internet, tiền học 2 con, phí dịch vụ, di động trả sau… Số lương 16 triệu đồng của chị chỉ còn vỏn vẹn chưa tới 1 triệu đồng chỉ sau 15 phút chị ngồi chuyển khoản thanh toán các chi phí.

Cần nhanh chóng sửa đổi thuế thu nhập cá nhân
Chi phí sinh hoạt đắt đỏ khiến người lao động càng thêm gánh nặng

Chị Quyên cho biết ngoài lương của chị, thì thu nhập gia đình còn có lương chồng 18 triệu đồng, tuy nhiên cũng không còn đồng nào vào cuối tháng vì chi phí đều tăng giá.

Chị chia sẻ rằng nếu chỉ tính chi riêng tiền 2 con học và tiền ăn, tiền sữa thì gia đình chị hết chừng 12 triệu đồng. Thế nhưng, mức giảm trừ gia cảnh mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng, và mức lương không đủ sinh hoạt cơ bản mà vẫn phải đóng thuế TNCN thực sự là gánh nặng lớn.

Chị Nguyễn Mỹ Hạnh (Hà Đông) cũng đã cân đo đong đếm từng đồng để tiết kiệm. Chị cho biết nếu thu nhập ở Hà Nội được 15,4 triệu mà có 1 con đi học trường công thì gia đình sẽ không đủ sống vì phải chi hàng trăm khoản đắt đỏ.

Chị Hạnh cho biết trước đây, chị có thể mua đủ loại thực phẩm cho gia đình ăn 2 bữa với số tiền 200.000 đồng, thế nhưng hiện giá cả tăng gấp đôi nên cái gì cũng rất đắt.

Nhiều người lao động vẫn đang phải đóng thuế TNCN dù mức lương không cao so với nhu cầu cuộc sống. Mặt khác, loại thuế này có ý nghĩa nhằm thực hiện điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, giúp thực hiện công bằng xã hội.

Cần nhanh chóng sửa đổi thuế thu nhập cá nhân
Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để người lao động trang trải cho những chi phí sinh hoạt hàng ngày

Quy định cho thấy, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay là 15,4 triệu đồng/tháng (bao gồm giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu và giảm trừ cá nhân 11 triệu). Mức này được duy trì từ tháng 7 năm 2020 tới nay. Trong đó, cơ quan thuế xác định 11 triệu đồng bằng mức chi tiêu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của một người, trong khi 4,4 triệu đồng được xác định bằng 40% so với giảm trừ của người nộp thuế.

Thế nhưng, kể từ sau đại dịch Covid 19, đa số các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ đều tăng khoảng 20-30%, khiến chi phí sinh hoạt của người dân tăng cao. Mức giảm trừ gia cảnh trên không đủ trang trải cho những chi phí sinh hoạt hàng ngày khi tính đến mức sống của hàng triệu người dân thành thị hiện nay.

Cần nhanh chóng sửa đổi thuế thu nhập cá nhân
Nhiều người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập do kinh tế 3 năm qua gặp khó vì đại dịch

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn- Giám đốc Hãng Luật TGS, hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh là không đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống, đặc biệt là người sinh sống tại các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội… khi họ vừa thuê nhà, vừa nuôi con ăn học, và phải chi hàng loạt các chi phí sinh hoạt hàng ngày như tiền điện, ăn uống, khám chữa bệnh… Ngoài ra, nền kinh tế 3 năm vừa qua gặp nhiều khó khăn vì trải qua đại dịch Covid 19 nên nhiều người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập. Do vậy, việc duy trì mức thuế thu nhập cá nhân như hiện hành đã trở thành áp lực lớn đối với người nộp thuế.

Làm thế nào để hóa giải những vô lý hiện hành?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng đồng tình với kiến nghị sửa thuế thu nhập cá nhân. Theo PGS.TS, hiện nay, bất cập là giảm trừ gia cảnh không dựa trên mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người và cũng không dựa trên mức lương tối thiểu theo vùng hay mức lương tối thiểu chung.

Một điều vô lý khác là lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần, tuy nhiên mức giảm trừ gia cảnh và thu nhập khởi điểm đóng thuế lại bằng nhau.

Cần nhanh chóng sửa đổi thuế thu nhập cá nhân
Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không dựa trên mức sống tối thiểu và thu nhập bình quân đầu người

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cũng đã có chia sẻ thêm về cách tính thuế thu nhập cá nhân ở một số quốc gia phát triển. Luật sư này lấy ví dụ, người nộp thuế ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Thụy Sĩ, Đức… được khấu trừ thuế từ những chi phí phát sinh theo định mức để tồn tại và phát triển bản thân, như chi phí học hành, ăn, ở, đào tạo nâng cao kiến thức, chữa bệnh… Bởi lẽ đó được xem là thông lệ quốc tế để đảm bảo nguyên tắc công bằng về thuế. Các chính sách về thuế phải bao quát được những yếu tố như điều kiện sống theo vùng miền, hay yếu tố kinh tế phát triển ở từng thời kỳ… đảm bảo thu hút đúng theo đối tượng, linh hoạt và không bỏ lọt theo từng thời điểm mà nền kinh tế thay đổi. Qua đó, giúp theo kịp xu thế chung của toàn cầu, đảm bảo việc thu đúng, thu đủ những khoản thuế cần thu mà vẫn khoan sức dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh hiện hành đang thấp hơn so với mặt bằng chi tiêu của người dân. Theo kiến nghị của Bộ, cấp có thẩm quyền cần cân nhắc đưa Luật TNCN vào trong chương trình sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh các quy định trong việc tính thuế thu nhập cá nhân cho người lao động.

Theo Người đứng đầu Bộ Tài chính, ngành tài chính sẽ tính thu nhập gốc, và bình quân tăng lương hàng năm (7-8% hàng năm) để làm căn cứ tính thu nhập bình quân, bên cạnh việc cải cách tiền lương vào ngày 1/7/2024. Đó là cơ sở phân loại đối tượng theo vùng miền, mức thu nhập và căn cứ để nâng giảm trừ gia cảnh tính thuế sao cho phù hợp với thực tiễn.