HDB: Tăng trưởng mạnh nhưng liệu có thực sự bền vững?
Ảnh minh họa.

Trong năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của HDB duy trì ở mức tương đối an toàn là 1.69%, tăng nhẹ so với năm 2021. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tỷ lệ bao phủ nợ xấu của HDB trong năm 2022 chỉ ở mức 70.4%, giảm 3.56% so với mức 73% năm 2021. Đây là một tỷ lệ tương đối thấp khi các ngân hàng lớn trong hệ thống đã trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu lên ngưỡng trên 100%, đặc biệt có VCB ở mức trên 300%. Duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức thấp có thể làm giảm chi phí trích lập dự phòng, từ đó tăng lợi nhuận của ngân hàng nhưng nếu HDB trong tương lai quản lý không tốt các khoản nợ xấu thì hoàn toàn có thể đánh mất đà tăng trưởng lợi nhuận từ năm 2019.

HDB đã tận dụng tốt hạn mức tăng trưởng tín dụng khi tăng trưởng tín dụng ở mức tương đối tốt là 16.25%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 30% yoy và đạt mức 260.755 tỷ đồng năm 2022, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tiền gửi huy động khách hàng (17.74% yoy). LDR của ngân hàng cũng tăng 13% yoy, đạt mức 100.31% năm 2022. Việc duy trì tỷ lệ cho vay nhiều hơn tiền gửi huy động được đang tiềm ẩn rủi ro về thanh khoản của ngân hàng.

Lợi nhuận sau thuế của HDB tăng trưởng mạnh với mức tăng lên đến 27.2% yoy, đạt mức 8.209 tỷ đồng năm 2022. CIR của ngân hàng tăng nhẹ lên ngưỡng 39.3% cho thấy ngân hàng chưa quản lý chi phí một cách tối ưu khi mức chi phí cho nhân viên tăng đến 43.25% yoy.

CASA của HDB tương đối thấp, chỉ ở mức 9.04% năm 2022 và đang có dấu hiệu giảm 20.5% so với năm trước. Mặc dù đã triển khai áp dụng nhiều công nghệ mới về dịch vụ ngân hàng điện tử nhưng lượng tiền gửi không kỳ hạn từ khách hàng lại giảm 7% so với năm 2021, đạt mức 22.267 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ trọng 10% trong tổng huy động tiền gửi từ khách hàng năm 2022. Động lực tăng trưởng tiền gửi huy động vẫn đến chủ yếu từ tiền gửi có kỳ hạn với các gói ưu đãi tốt về lãi suất được HDBank triển khai. CASA giảm khiến chi phí sử dụng vốn của ngân hàng tăng lên đáng kể.

Vốn chủ sở hữu của HDBank tăng 26.65% yoy, đạt mức 38,995 tỷ đồng. Tổng tài sản của HDB cũng theo đó tăng 11.12% yoy, đạt mức 416,273 tỷ đồng năm 2022. Đặc biệt, đáng chú ý là các khoản phải thu tăng rất mạnh đến 65.1%, đây là tín hiệu đáng lo ngại khi các khoản phải thu của ngân hàng đã tăng đến 1592.35% so với năm 2018. Việc các khoản phải thu tăng với tốc độ lớn hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần đang cho thấy ngân hàng quản lý công nợ chưa tốt, nếu không khắc phục tình trạng này thì trong tương lai, có khả năng HDB phải trích lập nhiều hơn các khoản phải thu khó đòi, gián tiếp làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng.

Việt Anh