Sắp tới là mùa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023, dự kiến sẽ có kết quả khả quan hơn so với quý trước. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh đánh giá, sẽ khó có “sóng” kết quả kinh doanh quý IV, bởi bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp dù có lạc quan hơn nhưng mức tăng lợi nhuận dự kiến vẫn thấp hơn quý III, khó có thể tạo cú huých cho thị trường chứng khoán.

Sản xuất kinh doanh năm 2023 ở mức thấp, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PIM) trong quý cuối năm đều dưới 50; Xuất khẩu chưa hồi phục đáng kể vì nền kinh tế của các đối tác nhập khẩu chính là Mỹ, Trung Quốc, EU vẫn trong giai đoạn khó khăn; Dòng tiền vẫn chậm chảy vào hoạt động sản xuất - kinh doanh… dù lãi suất đã giảm mạnh.

Nắm bắt cơ hội trên thị trường chứng khoán trong môi trường lãi suất thấp
Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace - Ông Nguyễn Tuấn Anh

“Với việc các doanh nghiệp “chốt số liệu”, chỉ một số ngành nghề có “của để dành” như bất động sản thì mới có thể tạo sự đột biến vào quý cuối năm. Với nhóm ngân hàng, tôi không kỳ vọng cao, do “của để dành” gần như không còn, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã về mức thấp. Còn các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, lợi nhuận thường chia đều trong năm, chứ không dồn vào quý IV.

Nhìn chung, tôi không kỳ vọng cao vào mùa báo cáo tài chính cuối năm. Tôi đặt xác suất 40% vào kịch bản lạc quan, thị trường sẽ xuất hiện một “sóng” tăng nhẹ; 60% là thị trường đi ngang ở mức hiện tại” - Ông Tuấn Anh phân tích.

Nhận định kỳ vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới, vị chuyên gia cho rằng, thông thường sẽ có 2 yếu tố kỳ vọng. Một là nới lỏng chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, bơm tiền thúc đẩy kinh tế, nhưng cũng khó kỳ vọng vào yếu tố này vì lãi suất hiện đã có đáy.

Năm 2023 có 4 đợt hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, góp phần đưa lãi suất xuống mức thấp hơn cả giai đoạn dịch Covid - 19. Vì nội tại nền kinh tế còn yếu, nhu cầu tiêu thụ không cao, nền tiền “bơm” ra thị trường là có nhưng chậm chảy vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, nền kinh tế tồn tại rủi ro liên quan tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Do đó, thị trường chứng khoán chưa hoàn toàn phục hồi, nên người dân vẫn ưu tiên gửi tiết kiệm.

Sự tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết đang được kỳ vọng lớn trong năm 2024, nhờ chính sách thúc đẩy, hỗ trợ được ban hành, hiện chỉ đợi kết quả từ phía doanh nghiệp. Chỉ khi kết quả kinh doanh của họ thực sự tốt mới tạo được cú huých cho thị trường chứng khoán.

Thị trường vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay giảm thêm khi lượng tiền gửi lãi suất cao hồi đầu năm ngoái đáo hạn và tiếp tục quay vòng vào hệ thống, giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn, từ đó hạ xuống mức thấp nhất lãi suất cho vay để hấp dẫn doanh nghiệp vay mới, phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Lĩnh vực tăng trưởng được dự báo là sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu, nhưng không quá cao.

Nắm bắt cơ hội trên thị trường chứng khoán trong môi trường lãi suất thấp
Lãi suất giảm mạnh trong năm 2023

Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace cho hay: “Tôi đồng quan điểm với dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) về kinh tế Việt Nam năm 2024, tăng trưởng GDP từ 5,8 - 6%, cao hơn so với mức tăng 5,05% năm 2023, nhưng vẫn thấp so với nền trung bình 20 năm qua là 6,5%. Nhìn chung, tôi kỳ vọng kết quả kinh doanh năm 2024 của các doanh nghiệp sẽ khả quan, nhưng khó có sự tăng trưởng đột biến”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cũng đưa ra đánh giá về dòng tiền và các kênh đầu tư trong năm 2024. Theo ông, kinh tế trong nước năm 2023 tăng trưởng thấp, lãi suất thấp, rủi ro tỷ giá và lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế tại Mỹ và EU khi lạm phát ở mức cao, rủi ro địa chính tại Israel… Từ các vấn đề này, dòng tiền chủ yếu chảy vào những kênh trú ẩn như vàng, ngoại tệ (USD, JPY, CHF) hay gửi tiết kiệm ngân hàng.

“Bối cảnh năm 2024 dự kiến sẽ không quá khác biệt so với năm 2023, ngoài lạm phát hạ nhiệt và kinh tế phục hồi nhẹ. Tôi cho rằng, dòng tiền trên toàn cầu sẽ tiếp tục để tỷ trọng lớn ở các kênh trú ẩn như vàng, tiền tệ, bitcoin”. - Ông Tuấn Anh nói.

Kinh tế Việt Nam đang có vị thế khá tốt trên thế giới, lạm phát giữ ổn định, kinh tế phục hồi rõ nét. Với những kênh đầu tư còn lại là trái phiếu, bất động sản, cổ phiếu, thì dòng tiền năm nay có thể ưu tiên cho cổ phiếu, vì lãi suất thấp và kinh tế phục hồi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng lợi nhuận.

Nắm bắt cơ hội trên thị trường chứng khoán trong môi trường lãi suất thấp
Dòng tiền năm 2024 có thể ưu tiên cho cổ phiếu

Môi trường lãi suất thấp là điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán và kết quả kinh doanh doanh nghiệp. Song, kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2024 sẽ có có sự tăng trưởng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng.

Theo ông Tuấn Anh: “Chúng tôi nhận định, 2024 sẽ là năm phục hồi nhẹ và đến quý I - II/2025, kinh tế Việt Nam mới chính thức bước vào giai đoạn tăng trưởng.

Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu về mối liên hệ giữa lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm và chỉ số giá của các ngành. Mục tiêu để xếp hạng hiệu suất đầu tư tương đối của các ngành tại Việt Nam với lãi suất. Kỳ vọng, mối quan hệ điển hình giữa lãi suất và chỉ số giá của giai đoạn 2018 - 2023 sẽ lặp lại trong năm 2024 - 2025”.

Kết quả cho thấy, những ngành kim loại và khai khoáng (thép), chứng khoán, bất động sản, ngân hàng, vật liệu xây dựng, dệt may có hiệu suất vượt trội trong môi trường lãi suất thấp. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, ngân hàng và bất động sản không được ưu tiên.

Bởi, dù lãi suất thấp, nhưng lạm phát vẫn đáng quan ngại, tăng trưởng kinh tế chậm, do đó khi các yếu tố thuận lợi chưa được kích hoạt thì ngành này khó có thể tăng mạnh.

Năm 2024, lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ lớn hơn năm ngoái. Điều này đặc biệt rủi ro trong bối cảnh hệ số nợ/vốn chủ sở hữu trung bình của những doanh nghiệp địa ốc đang ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây.

Với ngân hàng, tuy hưởng lợi khi lãi suất giảm nhưng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn yếu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhiều ngân hàng đã giảm xuống mức thấp, thì năm 2024, nhiều khả năng sẽ phải ưu tiên phòng thủ hơn tấn công, ưu tiên chuyển lợi nhuận sang trích lập dự phòng.