Tín hiệu tích cực xuất hiện ngay từ đầu năm

Kết thúc năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận mức tăng 12,2% điểm dù trải qua nhiều biến động. Kết thúc năm tại mốc 1.129,9 điểm, chỉ số VN-Index đã phục hồi đến 23,9% từ đáy trung hạn vào giữa tháng 11/2022 dù vẫn thấp hơn 26,1% so với đỉnh từng thiết lập hồi tháng 4/2022. Nếu so với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia,... tăng trưởng của VN-Index trong năm qua vẫn rất khả quan.

Sang năm 2024, VN-Index tiếp đà hồi phục mạnh. Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh trong 10 phiên đầu năm vừa qua. Trong 5 phiên đầu tiên của năm 2024, thanh khoản đã lên tới 17.000 tỷ đồng, thậm chí có những phiên thị trường giao dịch vượt 1 tỷ USD.

Các chỉ số vĩ mô đang cho thấy tương lai tươi sáng của chứng khoán Việt Nam
Hiện tại, hầu hết các chỉ số vĩ mô và dự báo đều cho thấy tương lai tươi sáng của chứng khoán Việt Nam

Về giao dịch khối ngoại đã giảm bán ròng sau khi xả ồ ạt trong tháng 12 vừa qua. Nhà đầu tư nước ngoài tăng đáng kể quy mô bán ròng lên 10 nghìn tỷ đồng trong tháng 12 và là tháng rút ròng mạnh nhất kể từ đầu năm. Trong tháng 12/2023, trung bình mỗi phiên khối ngoại bán ròng 300 - 400 tỷ đồng/phiên, nhưng đến nay chỉ còn xả trung bình 100 tỷ đồng/phiên.

Có thể thấy, xu hướng thị trường đang được hỗ trợ bởi hàng loạt điểm sáng vĩ mô. Trên thế giới, thị trường cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất thêm cho đến khi bắt đầu giảm lãi suất điều hành, dự kiến có thể diễn ra vào cuối quý I/2024. Điều này khiến chỉ số DXY suy yếu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh trong 2 tháng cuối năm 2023. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu u có thể bắt đầu giảm lãi suất điều hành từ tháng 6/2024.

Tại thị trường trong nước, GDP quý 4/2023 bật tăng lên mức cao nhất trong năm. Cả năm 2023, GDP tăng trưởng 5,05%, theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng đây vẫn là mức tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy yếu.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục của hơn 10 năm qua trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát. Mặt khác, việc Quốc hội chuẩn bị họp để thông qua Luật Đất đai, Luật các tổ chức tín dụng cũng mang lại kỳ vọng cho nhóm bất động sản và ngân hàng - hai nhóm ngành có vốn hóa lớn dẫn dắt VN-Index.

Bên cạnh đó, Quý 4/2023 vừa qua cũng là quý đầu tiên chứng kiến tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tăng trở lại sau 3 quý trước đó liên tục suy giảm. Đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 16 doanh nghiệp niêm yết đưa ra ước tính sơ bộ về kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2023.

Các chỉ số vĩ mô đang cho thấy tương lai tươi sáng của chứng khoán Việt Nam
Đã có 16 doanh nghiệp niêm yết đưa ra ước tính sơ bộ về kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2023

Sẵn sàng đón sóng lớn năm 2024

Trong một cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư mới đây, ông Lê Anh Tuấn Giám đốc Khối chứng khoán của Dragon Capital chia sẻ: "2024 là bức tranh sáng hơn nhiều so với 2023. Xét về kênh đầu tư mọi kênh đều kiếm được tiền chỉ là chọn kênh nào kiếm được nhiều thôi".

Nói thêm về vấn đề tăng trưởng năm 2024, ông Lê Anh Tuấn cho biết có nhiều rủi ro nhưng nếu lợi nhuận năm nay tăng 20% thì thị trường chứng khoán sẽ tăng 30%. Dòng tiền trong nước giải ngân vào chứng khoán rất thật, không phải dòng tiền đi vay mượn đỡ giá.

Đa phần các thành viên trên thị trường đều có chung một góc nhìn tích cực về triển vọng thị trường chứng khoán sẽ đón sóng lớn trong năm 2024. Ông Phong Trần, chuyên gia tư vấn tài chính độc lập cho rằng, thị trường bất động sản và chứng khoán năm 2024 sẽ tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2023.

Theo vị chuyên gia này, động lực chính bao gồm: Thứ nhất là có hơn 13,5 triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng đến cuối năm 2023. Đây là mức tiền gửi cao nhất từ trước đến nay, nhưng với lãi suất thấp nhất nhiều năm nay nên rất dễ chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản khi có cơ hội.

Các chỉ số vĩ mô đang cho thấy tương lai tươi sáng của chứng khoán Việt Nam
Thị trường đã chứng kiến dòng tiền lớn quay lại khi tự doanh, tổ chức trong nước và cá nhân là bên mua ròng xuyên suốt trong tháng 12

Thứ hai là câu chuyện đầu cơ liên quan đến đầu tư công sẽ dần hạ nhiệt do không còn mới mẻ. Trong khi đó, câu chuyện KRX vẫn sẽ âm ỉ và câu chuyện thời sự xuyên suốt năm 2024 sẽ là diễn biến “đón đầu nâng hạng 2025”. Ngoài ra, một câu chuyện nhỏ không thể bỏ qua là kế hoạch triển khai sản phẩm phái sinh theo chỉ số VN100 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Thứ ba, sau giai đoạn tăng nóng, chứng khoán Mỹ không còn rẻ, điều này có thể kích thích dòng vốn ngoại trở lại các thị trường mới nổi trong nửa cuối quý I hoặc đầu quý II/2024. Một khi nhóm này quay trở lại, kết hợp với các yếu tố phân tích ở trên, thì thị trường sẽ phục hồi mạnh.

Tương tự, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm trong năm 2024 sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Ngoài ra, tăng trưởng GDP năm 2024 cũng được kỳ vọng quay lại mức trên dưới 6% và dựa trên nền so sánh thấp của năm 2023, kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 15- 20% trong năm 2024.

"Hai yếu tố trên là cơ sở để thị trường có diễn biến tích cực trong năm 2024 với mức tăng 15-20% Vn-Index có thể đạt 1.300 vào cuối năm 2024", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chuyên gia phân tích tại KBSV cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm có thêm một đợt giảm lãi suất nữa trong năm 2024.

Chứng khoán Mirae Asset cũng đưa ra nhiều kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2024 với kịch bản nền kinh tế hồi phục mạnh, EPS 2024 tăng trưởng 13%, VN-Index có thể giao dịch tại vùng 1.400 điểm. Còn nếu kinh tế tăng trưởng rất mạnh với EPS tăng 19,6%, VN-Index có thể chạm mốc 1.500 điểm.