Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 1 của SSI Research nhận định, so với các thị trường khác trong khu vực, mức tăng 12,2% trong năm 2023 của VN-Index vẫn khả quan hơn nhờ chính sách tiền tệ và tài khóa nghiêng về hỗ trợ nền kinh tế hồi phục. Năm 2023 là năm của nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ với mức tăng vượt trội so với thị trường chung khoảng 30%.

Nhóm phân tích SSI Research kỳ vọng, trong năm 2024, tăng trưởng GDP sẽ khởi sắc hơn (dự báo khoảng 6 - 6,5%) với sự phục hồi của thương mại, tiêu dùng và đầu tư công. Dù vậy, việc tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và các xung đột địa chính trị gia tăng là các rủi ro mà nhà đầu tư cần quan sát.

Trong ngắn hạn, thị trường sẽ tập trung sự chú ý vào chi tiết kế hoạch hành động của Chính phủ cho năm 2024 cũng như phiên họp bất thường của Quốc hội vào giữa tháng 1. Việc Chính phủ nhấn mạnh kế hoạch hành động sẽ tập trung vào tăng trưởng trong bối cảnh các cân đối vĩ mô được đảm bảo sẽ là yếu tố tích cực xuyên suốt cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Áp lực chốt lời có thể tăng trong tháng cận Tết Nguyên đán, nhà đầu tư nên hành động ra sao?
SSI Research lưu ý thị trường trước dịp Tết nguyên đán thường có nhiều biến động mạnh và áp lực chốt lời khả năng sẽ diễn ra

Tập trung vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng với 3 chủ đề chính

SSI Research cho biết, quán tính phục hồi có thể tiếp diễn trong tháng 1 nhưng sẽ tập trung vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng với 3 chủ đề chính, cụ thể:

Thứ nhất là chi tiết kế hoạch hành động của Chính phủ trong năm 2024 vào các văn bản pháp lý được thông qua. Tháng 1 thường ghi nhận nhiều thông tin mang tính vĩ mô, liên quan đến kế hoạch của Chính phủ trong năm 2024 cũng như các văn bản pháp lý được thông qua. Việc Luật Đất đai, Luật Tổ chức tín dụng cùng với một số thông tư, nghị định mới được thông qua sẽ giúp các ngành như bất động sản, ngân hàng và đầu tư công được hưởng lợi.

Thứ hai là rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng. Sự kiện căng thẳng địa chính trị tại kênh đào Suez đã khiến cước tàu biển tăng mạnh. Theo các chuyên gia phân tích, đây là rủi ro mang tính dài hạn và trước mắt các nhóm ngành liên quan đến vận tải/logistics sẽ được hưởng lợi từ sự kiện trên.

Yếu tố thứ ba, quý IV/2023 là quý đầu tiên lợi nhuận tăng trưởng dương trở lại sau 4 quý liên tục suy giảm. Tổng lợi nhuận của rổ cổ phiếu mà SSI theo dõi (địa diện 85% vốn hóa HoSE và 65% vốn hóa toàn thị trường) được kỳ vọng sẽ tăng 12,1% trong quý IV/2023, trong đó, động lực đến từ các nhóm như hàng tiêu dùng không thiết yếu (51,6%), nguyên vật liệu (419%), công nghệ thông tin (23,7%) và tài chính (22,7%).

Áp lực chốt lời có thể tăng trong tháng cận Tết Nguyên đán, nhà đầu tư nên hành động ra sao?
Quán tính phục hồi có thể tiếp diễn nhưng sẽ tập trung vào nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng với 3 chủ đề chính

Bên cạnh đó, nhóm phân phân tích SSI Research cũng lưu ý nhà đầu tư xu hướng dòng tiền trước dịp Tết Nguyên đán thường có nhiều biến động mạnh và cung chốt lời có khả năng sẽ diễn ra khi VN-Index đã hồi phục 12% từ đáy ngắn hạn hay lo ngại tỷ giá biến động có thể quay lại khi các dữ liệu kinh tế gần đây của Mỹ cho thấy rủi ro Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể không sớm giảm lãi suất như kỳ vọng.

Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị vẫn nên giữ tỷ trọng cân bằng giữa cổ phiếu và tiền mặt để có dư địa tận dụng cơ hội khi biến động thị trường xảy ra.

Đưa ra phân tích kỹ thuật, các chuyên gia phân tích cho rằng, VN-Index sẽ tiếp nối xu hướng với những tín hiệu khả quan sau 2 tháng cuối năm 2023 tạo đáy và hồi phục. Việc tích lũy quanh vùng 1.076 - 1.130 điểm diễn ra chủ yếu trong tháng 12/2023, qua đó tạo nền tăng trưởng cho đầu năm 2024. Ngoài ra, một số chỉ báo kỹ thuật đảo chiều và bước đầu trở lại tín hiệu tích cực trong trung hạn cũng ủng hộ đà tăng của thị trường.

Tiếp nối đà tăng đã tạo nền trước đó, chỉ số VN-Index được dự báo sẽ chuyển động tích cực dần với mức dao động trong khoảng 1.125 -1.180 điểm ở tháng 1. Trong kịch bản kém tích cực hơn khi VN-Index xuống dưới vùng 1.095 - 1.100 điểm, nhà đầu tư cần chờ đợi thị trường cân bằng để tham gia trở lại.

Ngoài ra, trong báo cáo chiến lược tháng 1 của SSI Research còn đưa ra một số ý tưởng đầu tư bao gồm PVT, HAH, CII, HPG, FPT và NLG.

Áp lực chốt lời có thể tăng trong tháng cận Tết Nguyên đán, nhà đầu tư nên hành động ra sao?
Trong tháng 1, nhà đầu tư được khuyến nghị nên giữ tỷ trọng cân bằng giữa cổ phiếu và tiền

Nhận định về triển vọng nhóm ngành trong năm 2024, đội ngũ phân tích tới từ MBS cho biết, các doanh nghiệp thượng nguồn ngành dầu khí đang được kỳ vọng rất cao, nhất là trong nửa cuối năm 2024. Ngoài ra, nhóm vận tải dầu cũng được dự báo hưởng lợi nhờ nhu cầu vận tải tấn - dặm đối với dầu thô và dầu sản phẩm trên thế giới được dự báo liên tục tăng, trong khi nguồn cung tài mới cũng như tốc độ vận chuyển hạn chế dẫn đến cước vận tải dầu thô và dầu sản phẩm tăng cao thời gian qua.

MBS cũng đánh giá nhóm thép “sáng cửa” trong năm 2024 nhờ giá bán và biên lợi nhuận phục hồi. Trong năm 2024, công ty chứng khoán này dự báo giá thép xây dựng nội địa sẽ phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn (tăng 8% so với cùng kỳ) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường nội địa. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ có thể giúp hồi phục thị trường bất động sản kể từ giữa năm 2024. Theo CBRE, dự kiến nguồn cung căn hộ sẽ tăng trưởng khoảng 20%, qua đó đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa.

Tương tự, lợi nhuận các doanh nghiệp vận tải biển trong năm 2024 cũng được dự báo sẽ hồi phục tích cực do sản lượng luân chuyển tiếp tục tăng nhờ mở rộng đội tàu và mở rộng thị trường khai thác quốc tế, dự báo giá cước container toàn cầu sẽ phục hồi 15% so với cùng kỳ trong năm 2024, tỷ giá và lãi suất USD cũng được dự báo sẽ hạ nhiệt trong năm 2024 làm giảm chi phí tài chính.