Về thị trường chứng khoán năm 2024, theo ông Lâm sẽ có nhiều gam màu sáng hơn, nhất là ở giai đoạn đầu năm và nửa cuối năm. Thị trường có nhiều khả năng đi lên, dự kiến đạt kết quả tốt hơn năm ngoái nhưng không quá đột biến. Cơ sở cho nhìn nhận này tới từ việc kỳ vọng đà hồi phục của kinh tế Việt Nam mạnh mẽ hơn sau một năm có nhiều trì trệ.

Bên cạnh đó, bối cảnh thế giới với việc giảm mạnh lãi suất là yếu tố có thể giúp dòng vốn trở lại nhóm thị trường mới nổi và cận biên, sau năm 2023 rút ròng đáng kể.

Ông Thanh Lâm chia sẻ: “Nếu phải chọn một từ khóa chính cho năm 2024, có lẽ tôi sẽ chọn chủ đề “tăng trưởng được phục hồi””.

VN-Index giao dịch ở mức PE 13.8x, thấp hơn trung bình 3 năm là 15x. Nhiều khả năng thị trường năm nay sẽ được đánh giá lại nhờ vào 2 yếu tố.

Chuyên gia nhận định chứng khoán sẽ được đánh giá lại trong năm 2024
Bức tranh thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ có nhiều gam màu sáng

Một là tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khoảng 20%. Hai là thanh khoản dồi dào có thể đạt được 1 tỷ USD/phiên từ việc chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được duy trì và tiềm năng FTSE sẽ thị trường Việt Nam được nâng hạng lên mới nổi.

Sau khi thành công nâng hạng, các quỹ sẽ chủ động lẫn bị động tìm tới thị trường Việt Nam. So sánh với các quốc gia trong khu vực, ước tính có từ 1 - 2 tỷ USD chảy thêm vào TTCK Việt Nam.

Theo ông Lâm, trọng tâm của hồi phục kinh tế năm nay và những năm tới là tiêu dùng trong nước, nhờ vào 3 yếu tố: xuất nhập khẩu hồi phục, hộ gia đình không bị ảnh hưởng nhiều về tiềm năng chi tiêu nhờ thu nhập và khoản tiết kiệm được duy trì đường tăng trưởng dài hạn, bất động sản dù chậm tăng trưởng nhưng vẫn tiếp tục phục hồi.

Suốt 3 quý gần nhất, niềm tin tiêu dùng đã hồi phục. Vì vậy, năm 2024, ông Lâm khá lạc quan về ngành bán lẻ và ngân hàng.

Nhờ sự nỗ lực của Chính phủ khi làm “sống lại” các dự án dầu khí như Lô B Ô Môn, giúp ngành năng lượng cũng được nhận định tích cực hơn. Bên cạnh đó, ngành công nghệ thông tin khá tích cực khi đang trong xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Năm qua, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nhiều từ câu chuyện tỷ giá và trái phiếu doanh nghiệp. Sang năm mới, ông Lâm dự báo áp lực tỷ giá không còn cao như năm 2023 vì Fed sẽ chuyển từ chu kỳ thắt chặt sang nới lỏng trong năm nay. FOMC “dot plot” tháng 12/2023 dự phóng Fed sẽ có thêm 3 đợt cắt giảm lãi suất năm 2024, mỗi đợt 0,25%.

Cùng với dự báo phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ làm suy yếu đồng USD so với những đồng tiền khác, từ đó giảm áp lực tỷ giá với đồng VNĐ.

Áp lực từ tỷ giá giảm giúp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ năm 2024. Dự báo, NHNN có thể giảm thêm 0.5 điểm % lãi suất chính sách với những điều kiện quốc tế nói trên.

Mặt khác, áp lực trái phiếu đáo hạn vẫn là một khó khăn đối với thị trường vốn năm nay. Ước tính các doanh nghiệp địa ốc phải chi ra khoảng 230 ngàn tỷ đồng trong năm 2024 (bao gồm trái phiếu đáo hạn 2024 và trái phiếu đáo hạn những năm trước nhưng chưa trả được), so với mức 190 nghìn tỷ đồng năm ngoái (gồm trái phiếu đáo hạn và trả nợ trước hạn).

Các doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết đang đẩy mạnh phát hành cổ phiếu ở mức kỷ lục để trả nợ và giảm đòn bẩy. Sau khi thành công, sẽ trở thành một cú hích đáng chú ý đối với thị trường vốn và BĐS trong năm 2024.