Xây dựng chiến lược bền vững

Năm 2023, thị trường Việt Nam rơi vào tình cảnh khó khăn. Đầu tiên là sự suy giảm về hoạt động xuất khẩu. Dù doanh nghiệp vẫn nỗ lực tới phút chót nhưng kết quả xuất nhập khẩu của cả năm không theo kỳ vọng, khi chỉ đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2022 (732,5 tỷ USD).

Các nhà đầu tư cho rằng, đây là điều chưa từng thấy trong một thời gian dài tại Việt Nam, ảnh hưởng xấu tới một số ngành xuất khẩu có nhu cầu cao về người lao động như may mặc, giày dép và nội thất. Nền kinh tế chịu tác động mạnh từ sự suy giảm nhu cầu tư Bắc Mỹ và EU.

Nhất là năm qua, vấn đề về thủ tục pháp lý khá rối rắm. Tốc độ phê duyệt chậm làm ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực. Ví dụ, trong năm qua chỉ có 3 thương vụ IPO diễn ra tại Việt Nam với giá trị rất thấp, huy động được khoảng 7 triệu USD trong 10 tháng. Nguyên nhân chủ yếu do bị siết chặt quy trình phê duyệt IPO và niêm yết, lượng vốn rút ròng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng cao hơn vì những yếu tố toàn cầu và tại các quốc gia, ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường năm ngoái.

Các quỹ đầu tư “ngoại” tìm “hàng” xa xỉ trong lúc chi phí vốn tăng cao
Số lượng doanh nghiệp IPO tại Việt Nam năm 2023 khá ít

Cùng với các điều kiện bất lợi trên, diễn biến giảm điểm của VN-Index kể từ nửa đầu năm 2022 đã khiến các công ty dự tính IPO phải hoãn lại kế hoạch và chờ thời điểm thích hợp để niêm yết. Tốc độ phê duyệt chậm của Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường. Trong khi ở những thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ ghi nhận nhiều vụ IPO thành công.

Sang năm mới, khả năng phục hồi về xuất khẩu, nhất là đối với những ngành công nghiệp như thời trang, giày dép và nội thất được xem là dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Trong khi, lãi suất vay vốn dành cho người tiêu dùng như vay mua nhà hoặc ô tô đang giảm từ đó thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.

Bất động sản nhà ở vẫn là lĩnh vực khiến nhà đầu tư lo lắng, bởi chưa có sự gia tăng nào đáng kể trong tốc độ giải quyết những vấn đề pháp lý liên quan tới dự án. Không ít các nhà đầu tư ngần ngại trong việc trở lại thị trường này.

Tổng giám đốc Mekong Capital - Ông Chad Ovel cho rằng, thị trường bất động sản hoạt động tốt thì nền kinh tế Việt Nam mới khôi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết.

Song, dưới góc nhìn của nhà đầu tư dài hạn, Mekong Capital vẫn đầu tư vào tăng trưởng giá trị dài hạn cùng chiến lược không thay đổi theo năm. Qua đó, mọi ngành hướng đến người tiêu dùng đều hấp dẫn với quỹ đầu tư này.

Ông Chad Ovel khẳng định, vì chi phí vốn đã tăng quá cao, Mekong Capital phải cẩn trọng hơn trong việc đầu tư. Cân nhắc kỹ lưỡng khi đầu tư vào bất kỳ ngành hay công ty nào yêu cầu hoặc trong tương lai sẽ cần một lượng gây quỹ đáng kể, vay nợ hoặc tăng vốn để phát triển. Qũy sẽ chú trọng hơn vào việc đầu tư vào các ngành và doanh nghiệp có vốn nội bộ vững chắc, nhất là trong bối cảnh chi phí vốn tăng cao hiện nay.

Vị này cũng khuyến nghị, các nhà đầu tư ngoại nên tập trung nhiều hơn cho chất lượng quản lý và chất lượng quản trị doanh nghiệp khi quyết định đầu tư.

Khả năng tăng trưởng dài hạn cụ thể của các doanh nghiệp cùng một số yếu tố định tính liên quan tới chất lượng lãnh đạo và quản lý là các yếu tố đặc biệt quan trọng cho sự tăng trưởng giá trị dài hạn ở Việt Nam.

Lĩnh vực được quan tâm năm 2024

Nhà đầu tư ngoại đang rất hào hứng với lĩnh vực phát triển khu công nghiệp. Việc Nam có lợi thế là vị trí thuận lợi để đón “làn sóng” chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Sự chuyển dịch này đòi hỏi diện tích rất lớn đất khu công nghiệp và dịch vụ liên quan. Do đó, khu công nghiệp sẽ là ngành tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư và hưởng lợi từ sự chuyển dịch địa - chính trị của các công ty của EU và Bắc Âu.

Các quỹ đầu tư “ngoại” tìm “hàng” xa xỉ trong lúc chi phí vốn tăng cao
Khu công nghiệp sẽ là ngành tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư

Bên cạnh đó, cổ phiếu các ngành như tiêu dùng, bán lẻ và sản phẩm tiêu dùng cũng nhận nhiều sự quan tâm. Khi nền kinh tế hồi lại, các công ty thuộc những ngành nghề này sẽ hoạt động tốt hơn nhiều so với hơn 1 năm qua.

Ngân hàng là ngành cuối cùng trong danh sách, các ngân hàng đã vượt hàng loạt khó khăn trong nửa đầu năm 2023, với những lo ngại về việc phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là khi nắm giữ trái phiếu từ các doanh nghiệp bất động sản.

Thực tế, các ngân hàng đã kiểm soát tốt tín dụng. Khi người dùng và doanh nghiệp lấy lại tâm lý lạc quan, các nhà băng sẽ hưởng lợi từ việc tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, động thái từ những quỹ đầu tư lớn cũng là động lực cho thị trường tài chính, cổ phiếu. Đơn cử như Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital (VinaCapital) vào tháng 11/2023 đã chính thức ra mắt Quỹ đầu tư cổ phiếu kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF) - Qũy đầu tư thứ 7 và là sản phẩm quỹ mở mới nhất trong số những quỹ mở hàng đầu thị trường của VinaCapital dành cho những nhà đầu tư cá nhân Việt Nam.

VMEEF đầu tư chủ yếu vào những cổ phiếu có triển vọng tốt về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận dài hạn, đi cùng là các động lực phát triển kinh tế dài hạn như xu hướng đô thị hóa, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và kỹ thuật số ở Việt Nam.

VinaCapital kỳ vọng sẽ tiếp nối sự thành công của những quỹ mở hiện nay. VMEEF sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán cũng như tích lũy tài sản trong dài hạn.

Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư chứng khoán của VinaCapital - Bà Nguyễn Hoài Thu chia sẻ, quỹ mở này sẽ đầu tư vào những doanh nghiệp dẫn đầu trong quá trình đổi mới, chuyển đổi ở các ngành then chốt của Việt Nam, như y tế, hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, công nghệ, hạ tầng, năng lượng tái tạo. Các lĩnh vực này đều được hưởng lợi từ xu thế dài hạn của đô thị hóa, số hóa, phát triển bền vững.

Các quỹ đầu tư “ngoại” tìm “hàng” xa xỉ trong lúc chi phí vốn tăng cao
Y tế, hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, công nghệ, hạ tầng, năng lượng tái tạo cũng hưởng lợi lớn

Trước đó, VinaCapital tổ chức Hội nghị Nhà đầu tư năm 2023, thu hút 150 nhà đầu tư quốc tế tham dự. Tại đây, lãnh đạo VinaCapital chia sẻ, nhiều nhà đầu tư ngoại đang rất quan tâm tới doanh nghiệp Việt Nam, hoạt động trong ngành công nghệ cao, năng lượng bán tải, sản xuất chip bán dẫn, giáo dục, y tế…

Mỹ và Hàn Quốc là hai nhà đầu tư tiềm năng, đặt kỳ vọng lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt. Họ tin rằng, nền kinh tế có thể duy trì đà tăng trưởng cao trong thập niên tới. Cơ hội đầu tư không chỉ đến từ các lĩnh vực truyền thống của Việt Nam như ngân hàng, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, mà còn đẩy mạnh vào lĩnh vực bảo hiểm, quản lý tài sản, nhất là chứng khoán trong thời gian qua.

Theo nhận định của ông Yang Seung Won - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (SSV), đối với những cơ hội đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư Hàn Quốc đang quan tâm tới doanh nghiệp có vốn nhà nước, quy mô lớn và có vị thế tại Việt Nam; Các doanh nghiệp logistics và BĐS khu công nghiệp, cùng kỳ vọng thời gian tới Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trở thành trung tâm sản xuất của thế giới sau khi nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản.

Đặc biệt là các công ty chứng khoán, kỳ vọng được hưởng nhiều lợi ích nhất từ sự bùng nổ của TTCK Việt Nam trong những năm tới, khi dự kiến cuối năm 2025 sẽ đưa hệ thống giao dịch chứng khoán KRX vào hoạt động.

Ong Yang Seung Won còn lưu ý, nhà đầu tư cần theo dõi câu chuyện về những bất ổn chính trị cùng sự bất ngờ từ các cuộc bầu cử lớn trên thế giới trong năm nay có thể là nguồn cơn cho những bất ổn về kinh tế, gây ra tác động lên thị trường chứng khoán toàn cầu.