HT1: Lợi nhuận ròng âm trong quý 1 năm 2023

Trong quý 1, doanh thu của HT1 giảm 265 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt mức 1,806.8 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng âm 12.8%. Các khoản giảm trừ doanh thu lại có xu hướng tăng nhẹ 500 triệu đồng khiến cho doanh thu thuần của HT1 ghi nhận ở mức 1,691 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng âm 13.6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu lớn nhất đến từ bán xi măng và clinker giảm 266.8 tỷ đồng so với quý 1 năm 2023, đạt mức 1,800.5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mảng doanh thu từ cát ISO và các hàng hóa dịch vụ khác tăng nhẹ 1.6 tỷ đồng nhưng không đóng góp nhiều vào doanh thu (chỉ chiếm 0.34% trên tổng doanh thu).

Tuy nhiên, mặc dù doanh thu từ mảng cát ISO và các hàng hóa dịch vụ khác có tăng nhưng giá vốn của mảng này cao hơn 271 triệu đồng so với doanh thu nên mảng này hoạt động tương đối kém hiệu quả. Theo đó, lợi nhuận gộp quý 1 chỉ đạt 75.6 tỷ đồng, giảm 53.66% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp của HT1 đang ở mức rất thấp với chỉ 4.5%.

Các khoản chi phí tài chính của HT1 trong quý 1 ghi nhận tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, chi phí lãi vay tăng từ 18.5 tỷ đồng, đạt mức 35 tỷ đồng và tương ứng tăng gần 112%.

Bên cạnh đó, mặc dù doanh thu ghi nhận tăng trưởng âm nhưng các khoản chi phí vẫn duy trì tăng nhẹ. Cụ thể, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 4.1 tỷ đồng và 4.7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng lên mức 46.6 tỷ đồng và 55.3 tỷ đồng.

Theo đó, lợi nhuận kế toán trước thuế quý 1 trong năm 2023 ghi nhận âm 75.7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 85.6 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên VICEM Hà Tiên ghi nhận lợi nhuận âm kể từ quý 3 năm 2021.

Cũng trong quý 1, lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của HT1 đã ghi nhận con số âm 512.3 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi nhận âm 58.8 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 442.4 tỷ đồng nhưng chủ yếu tiền thu từ vay nợ để bù đắp nguồn tiền thâm hụt trong năm. Theo đó, lưu chuyển tiền thuần trong quý ghi nhận âm 128.7 tỷ đồng, giảm gần 293 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vốn lưu động ròng của HT1 đang âm 1,892 tỷ đồng cho thấy một phần tài sản dài hạn của Công ty đang được tài trợ bằng nguồn vốn ngắn hạn. Điều này đang tạo nên một cơ cấu vốn tương đối mạo hiểm.

Tổng tài sản của HT1 giảm nhẹ 42.3 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, đạt mức 2,330.6 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng gần 62.5%, đạt mức 809.4 tỷ đồng. Theo đó, kỳ thu tiền trung bình của Công ty đã tăng từ mức 47 ngày thời điểm đầu năm lên mức 143 ngày vào thời điểm cuối quý 1. Việc các khoản bị chiếm dụng vốn tăng mạnh có thể sẽ giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của HT1 trong các quý tiếp theo. Số ngày vòng quay hàng tồn kho cũng tăng 105 ngày so với thời điểm đầu năm, lên mức 209 ngày đang cho thấy sự kém hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của HT1.

Khả năng thanh toán lãi vay của Công ty cũng đã ở mức âm 1.17 lần. Nếu trong các quý tiếp theo, kết quả kinh doanh không được cải thiện thì rủi ro thanh khoản xảy ra cũng tương đối lớn.

Theo như phân tích của chứng khoán Bảo Việt, tình trạng cung vượt cầu đang đặt các doanh nghiệp sản xuất xi măng trước sự cạnh tranh gay gắt về cả giá cả và chất lượng sản phẩm. Đây cũng là một khó khăn lớn của HT1 trong năm cần vượt qua để hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra.

Anh Anh