Cụ thể, CTCP Đầu tư Cảng Cái Lân (Mã CPI - UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 8 tỷ và âm 0,8 tỷ.

Trong kỳ, doanh thu công ty giảm 47% so với cùng kỳ; giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp giảm sâu. Do phải chịu khoản chi phí quản lý doanh nghiệp 1,2 tỷ trong khi cùng kỳ được hoàn 0,5 tỷ dẫn lợi nhuận chuyển âm. Đây cũng là mức lỗ quý thứ 2 liên tiếp của Cảng Cái Lân (quý 2 lỗ 1 tỷ).

Kết quả kinh doanh quý 3/2023 của Cảng Cái Lân
Báo cáo tài chính quý 3/2023 của Cảng Cái Lân

Lũy kế 9 tháng, CPI ghi nhận 23,2 tỷ đồng doanh thu - giảm gần 50% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế gần 1,7 tỷ trong khi cùng kỳ lãi 5,5 tỷ đồng (kế hoạch cả năm là 67 tỷ và 6 tỷ đồng).

Tại thời điểm 30/9, Cảng Cái Lân đang lỗ lũy kế hơn 404 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 25,4 tỷ. Nợ phải trả ghi nhận 67,8 tỷ - vượt tổng tài sản (chỉ 42,4 tỷ đồng).

Được biết, Cảng Cái Lân đặt mục tiêu cho năm 2023 về sản lượng bốc xếp, vận chuyển hàng rời 970.000 tấn, về sản lượng dịch vụ và vận chuyển hàng container 19.100 teus.

Cảng Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư từ tháng 7/1996. Theo quy hoạch, Cảng gồm 8 cầu tàu, 2 bến bốc xếp container và 2 bến nghiêng; kho có diện tích 10.000m², bãi chứa hàng với 17.000m²; thiết bị bốc dỡ gồm 1 cẩu 20 tấn, 2 cẩu 30 tấn, 2 cẩu 50 tấn di động, 3 cẩu 70 tấn và một số cẩu di động 8 - 10 tấn. Cảng Cái Lân là cảng đồng bộ đầu tiên ở miền Bắc, hội đủ các điều kiện cho tàu tải trọng từ 40.000 - 50.000 DWT đầy tải vào làm hàng trong mọi điều kiện và khả năng xếp dỡ từ 5.000.000 - 8.000.000 tấn/năm.

Cổ đông lớn của Cảng Cái Lân chính là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline) với 56,58%, CTCP Cảng Quảng Ninh 8,14% và CTCP Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội 4,93%.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 11/10, cổ phiếu CPI dừng ở mức 2.500 đồng/cp - miệt mài giảm từ vùng giá gần 10.000 đồng hồi cuối tháng 10/2021.