UBND thành phố Hải Phòng vừa công bố danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có nhu cầu vay vốn theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng trên địa bàn thành phố đợt 2.

Đáng chú ý, đợt này có duy nhất dự án nhà ở xã hội thuộc dự án Khu đô thị - dịch vụ thương mại và Nhà ở công nhân Tràng Duệ, xã Lê Lợi, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, TP. Hải Phòng của công ty CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng (SHP) có nhu cầu vay vốn 1.200 tỷ đồng.

Dự án có quy mô đầu tư xây dựng trên 2.500 căn, với 10 tòa chung cư cao 15 tầng, đảm bảo chỗ ở cho hơn 9.000 lao động, với mô hình xây dựng nhà ở xã hội trong lòng khu đô thị kết hợp cùng khu công nghiệp. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.600 tỷ đồng. Tiến độ chuẩn bị và thực hiện dự án là từ quý 2/2023 đến quý 4/2025 (được khởi công vào ngày 28/5). Đây là dự án nhà ở xã hội thứ 3 được khởi công trên địa bàn TP. Hải Phòng từ đầu năm 2023 đến nay.

Kinh Bắc (KBC) muốn vay 1.200 tỷ đồng làm dự án NOXH
Dự án Khu đô thị - dịch vụ thương mại và Nhà ở công nhân Tràng Duệ

CTCP KCN Sài Gòn - Hải Phòng (SHP) là công ty con của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC). SHP có vốn điều lệ 416 tỉ đồng, trong đó KBC nắm 86,54% tương đương 3,6 triệu cổ phiếu. Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của SHP.

Theo báo cáo thường niên năm 2022 của KBC, SHP có vốn điều lệ 416 tỷ đồng, hoạt động chính lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (KCN) và khu đô thị (KĐT) và là chủ đầu tư dự án KCN và KĐT Tràng Duệ thuộc khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải - Hải Phòng.

Tính đến năm 2019, hai KCN Tràng Duệ 1, Tràng Duệ 2 có tổng quy mô 402 ha do công ty này làm chủ đầu tư đã được lấp đầy 100%, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài như LG Electronics, LG Display...

Sau khi 2 KCN lấp đầy, nguồn thu đều đặn hàng năm của SHP đến từ doanh thu dịch vụ cung cấp nước sạch, xử lý nước thải và quản lý hạ tầng. Năm 2022 doanh thu dịch vụ của KCN này đạt 82,07 tỷ đồng và ước tính có thể đạt trên 100 tỷ đồng/ năm trong những năm tới khi các nhà đầu tư không còn được miễn phí cơ sở hạ tầng.

Trong quý II, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 132,5 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá vốn chỉ giảm 13%, xuống 72,9 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt 59,6 tỷ đồng, giảm 37%.

Kỳ này, doanh thu tài chính tăng 80%, đạt 1,7 tỷ đồng. Điểm tích cực là các chi phí theo sau đồng loạt giảm, cụ thể: chi phí tài chính giảm 19%, còn 5,48 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 16%, về mức 5,47 tỷ đồng. Dù vậy, trong quý II, SHP báo lãi chỉ 45,8 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, SHP đạt 216,1 tỷ đồng doanh thu và 61,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 32% và 56% so với nửa đầu năm 2022. Trong đó, kế hoạch lợi nhuận mới thực hiện được 24% kế hoạch năm (254 tỷ đồng).

Tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 1.646,4 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Trong đó, SHP sở hữu hơn 169,6 tỷ đồng tiền và tương đương tiền; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 29%, lên 158,6 tỷ đồng.

Hồi đầu năm 2023, SHP từng gây chú ý khi chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 330% (1 cổ phiếu SHP sẽ nhận được 330.000 đồng tiền cổ tức). Là cổ đông lớn nhất, Kinh Bắc nhận về số tiền 1.188 tỷ đồng.

Về phía KBC, được biết năm 2023, Công ty lên kế hoạch doanh thu kỷ lục 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ - gấp 2,6 lần thực hiện năm 2022. Sau 6 tháng, KBC đã thực hiện được 50% các chỉ tiêu đã đề ra.