Qua quá trình rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thấy VPBank chưa thực hiện đúng các quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Cụ thể, VPB chưa công bố thông tin các Nghị quyết HĐQT liên quan đến việc thành lập chi nhánh, thay đổi địa điểm kinh doanh; các Nghị quyết HĐQT liên quan đến việc thay đổi nhân sự, bổ nhiệm nhân sự, kiêm nhiệm nhân sự.

Ngoài ra, VPBank cũng chưa công bố thông tin về Nghị quyết số 90/2023/NQ-HĐQT ngày 19/4/2023 thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Thông tư 96/2020/TT-BTC.

Bên cạnh đó, VPBank chưa trình bày Báo cáo Quản trị Công ty năm 2021 theo mẫu quy định tại Phụ lục V báo cáo tình hình quản trị công ty ban hành kèm theo Thông tư 96/2020/TT-BTC.

“Đề nghị Ngân hàng nghiêm túc tuân thủ quy định hiện hành, đồng thời rà soát, giải trình lý do và phương án khắc phục gửi về SGDCK TP.HCM, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam theo quy định” – SGDCK TP.HCM nhấn mạnh.

Một ngân hàng bị nhắc nhở do “ỉm” thông tin
VPBank bị nhắc nhở do “ỉm” thông tin

Về kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2023, lợi nhuận ròng của VPB ghi nhận sụt giảm đến 66.4%, tính riêng quý 2 con số sụt giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần riêng lẻ giảm 9,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 0.08% do thu nhập lãi của riêng ngân hàng mẹ tăng 8,805 tỷ đồng trong khi chi phí lãi tăng 8,815 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần hợp nhất giảm 2,057 tỷ đồng, tương ứng giảm 10.11% do thu nhập lãi hợp nhất tăng 7,117 tỷ đồng trong khi chi phí lãi tăng gần 9,175 tỷ đồng.

Thu nhập thuần từ hoạt động khác riêng lẻ giảm 74.06%, tương ứng giảm 5,870 tỷ đồng và thu nhập thuần từ hoạt động khác hợp nhất giảm 4,884 tỷ đồng (tương ứng giảm 57.92%) chủ yếu do trong tháng 6/2022, VPB có khoản thu hỗ trợ từ hợp đồng hợp tác độc quyền với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA.

Về cơ cấu tài sản, nợ xấu của ngân hàng trong 6 tháng đầu năm vẫn ở mức tương đối cao với gần 6.5%. Trong đó, các khoản nợ nhóm 3 tăng 45.5% lên mức 11,502.4 tỷ đồng, nợ nhóm 4 tăng 53% lên mức 15,372 tỷ đồng và nợ nhóm 5 giảm gần 31% xuống còn 4,990 tỷ đồng.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của VPB tăng gần 20% lên mức 632,198 tỷ đồng với các khoản tiền gửi khách hàng tăng lên mức 387,611 tỷ đồng.

Được biết, là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập sớm nhất tại Việt Nam, VPBank đã có lịch sử phát triển bền vững trong 30 năm. VPBank hiện đang là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu tại Việt Nam xét về sự hiệu quả và lợi nhuận kinh doanh.

Ngân hàng có sự hoạt động mạnh mẽ trong các phân khúc bán lẻ và SME. Đồng thời, VPBank cũng là ngân hàng tiên phong về chuyển đổi số nhằm mang lại cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ tài chính tốt nhất và nhanh nhất.