Theo đó, doanh nghiệp này đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp nên bị phạt vi phạm hành chính hơn 3,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn KIDO phải nộp nghĩa vụ thuế bổ sung bao gồm 11,9 tỷ đồng thuế TNDN (năm 2021, 2022); 1,9 tỷ đồng thuế GTGT (năm 2021, 2022) và 2,1 tỷ đồng thuế TNCN (năm 2020, 2021, 2022).

Đồng thời, tiền chậm nộp thuế mà doanh nghiệp này phải nộp là hơn 1,6 tỷ đồng. Công ty sẽ được giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau của kỳ thuế tháng 12/2022 là 142,7 triệu đồng.

Như vậy, tổng số tiền xử lý về thuế đối với Tập đoàn KIDO là khoảng 21 tỷ đồng.

Tập đoàn KIDO bị phạt thuế gần 21 tỷ đồng
KIDO phải đóng bổ sung hơn 16 tỷ đồng nghĩa vụ thuế cho nhà nước cho 3 năm tài chính 2020, 2021 và 2022

Trong một diến biến tích cực hơn, công ty con của KIDO là Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, UPCoM: VOC) vừa thông qua Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt vào ngày 10/10 tới đây. Thời gian thực hiện thanh toán dự kiến là ngày 20/10/2023.

Tỉ lệ thực hiện là 30%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ sẽ nhận về 3.000 đồng. Với gần 122 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Vocarimex sẽ phải chi hơn 365 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức lần này.

Công ty mẹ là Tập đoàn Kido hiện đang sở hữu 87,3% vốn tại Vocarimex, tương đương nắm giữ hơn 106 triệu cổ phiếu VOC dự kiến sẽ nhận về khoảng 319 tỷ đồng từ đợt trả cổ tức của công ty con này.

Về tình hình kinh doanh, theo BCTC hợp nhất đã kiểm toán 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán hàng của KIDO đạt 4.505 tỷ đồng, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm 2022 (6.485 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh từ 43,4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022 lên mức 1.224 tỷ đồng, góp phần giúp lợi nhuận sau thuế của KIDO đạt 564 tỷ đồng, tăng 66,3% so với cùng kỳ năm 2022 (339 tỷ đồng).

Tập đoàn KIDO bị phạt thuế gần 21 tỷ đồng
Doanh thu từ hoạt động tài chính tăng "khủng" giúp KIDO báo lãi lớn hơn 564 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2023

Tính tới thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của KIDO là 12.870 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với cùng kỳ (14.004 tỷ đồng). Trong khi, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là hơn 7.756 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 (7.052 tỷ đồng).

Đáng chú ý, nợ phải trả của KIDO là 5.113 tỷ đồng, giảm hơn 1.800 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 (6.952 tỷ đồng). Trong đó, nợ ngắn hạn của doanh nghiệp là 4.047 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn chiếm 2.666 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, KIDO đã phải chi trả hơn 155 tỷ đồng tiền chi phí lãi vay, con số này cùng kỳ năm 2022 là 101 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch 29/9, giá cổ phiếu KDC ở mức 64.200 đồng/cổ phiếu, giảm 0,31% so với phiên giao dịch trước đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh là hơn 594 nghìn đơn vị. Đặc biệt, trong 14 phiên giao dịch gần đây, giá cổ phiếu KDC không ghi nhận bất kỳ một phiên giao dịch tăng điểm nào (chỉ đứng yên và giảm nhẹ).

Được biết, KDC từng là “ông lớn” trong mảng bánh kẹo trước khi bán cho đối tác ngoại. Năm 2021, Công ty tuyên bố quay lại và đề tham vọng giành Top 2 đến năm 2025. Cũng trong năm này, KDC ghi nhận ghi nhận 160 tỷ doanh thu và 36 tỷ lợi nhuận trong mùa Trung thu năm đầu trở lại. Sang năm 2022, doanh thu tăng lên 200 tỷ (tăng 25%) và lợi nhuận tăng mạnh 68% lên 60 tỷ đồng.