Sau tuần giảm mạnh trước đó, thị trường đã gắng gượng phục hồi trong tuần này. Tuy vậy, đà tăng khá hạn chế nhưng thanh khoản đã được cải thiện so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần, điều này cho thấy lực cầu bắt đáy đã xuất hiện khá tốt.

Biến động trong tuần qua khá mạnh, đặc biệt trong phiên giao dịch ngày thứ 2, thứ 3 và thứ 5. Có những thời điểm, tâm lý nhà đầu tư đã bị thử thách và rất may là lực cầu cuối cùng đã giành chiến thắng để giúp thị trường tăng nhẹ.

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 24 đến ngày 28 tháng 10, VN-Index tăng 7,54 điểm (tương ứng mức tăng 0,7%) lên 1.027,36 điểm, HNX-Index giảm 3,68 điểm (tương ứng mức giảm 1,7%) xuống 213,73 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 12,2% so với tuần trước đó lên 57.173 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 24,4% lên 2.956 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 5,8% so với tuần trước đó lên 4.967 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 34,2% lên 350 triệu cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán tuần từ 24-28/10: Dòng tiền bắt đáy đã xuất hiện

Thị trường chỉ hồi phục nhẹ trong tuần qua nên các nhóm ngành cổ phiếu cũng có sự phân hóa rõ nét. Theo đó, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng có mức tăng mạnh nhất với 5% giá trị vốn hóa. Đây là nhóm đã dẫn dắt đà tăng của thị trường trong tuần qua. Các cổ phiếu tiêu biểu có thể kể đến như VCB (tăng 5,3%), BID (tăng 3,7%), CTG (tăng 11,1%), TCB (tăng 6,6%), VPB (tăng 5,1%), MBB (tăng 9,6%), ACB (tăng 9,3%)...

Bên cạnh đó, nhóm hàng tiêu dùng tăng 1,7% để hỗ trợ cho thị trường với các mã như VNM (tăng 1,3%), MSN (tăng 12,2%)... Tiếp đến là ngành tiện ích cộng đồng (tăng 0,9%) và công nghệ thông tin (tăng 0,8%) tăng nhẹ.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất với 6,5% giá trị vốn hóa với các mã như PLX (giảm 7,9%), OIL (giảm 11,2%), BSR (giảm 5,8%), PVD (giảm 7,5%), PVC (giảm 7,8%)...

Các ngành còn lại vẫn giảm tương đối mạnh như tài chính (giảm 3,3%), công nghiệp (giảm 3%), dược phẩm và y tế (giảm 2,1%), nguyên vật liệu (giảm 1,4%), dịch vụ tiêu dùng (giảm 1,4%).

Về giao dịch của khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trên cả hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 3.558,03 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, EIB là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 74,4 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là HPG và VND với lần lượt 19,4 triệu cổ phiếu và 15,5 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, MSN là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 3,4 triệu cổ phiếu.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11/2022 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh -13,49 điểm cho thấy các trader đang nghiêng về khả năng thị trường có thể sớm điều chỉnh trở lại.

Theo phân tích kỹ thuật, dù thị trường hồi phục nhẹ trong tuần qua, nhưng hiện VN-INDEX vẫn đang nằm dưới ngưỡng tâm lý 1.100 điểm, tương ứng với trendline nối các đáy vào tháng 5 và tháng 7 với nhau. Do đó, VN-Index vẫn còn đối diện với rủi ro quay trở lại đà giảm với vùng giá mục tiêu trong trường hợp này là quanh ngưỡng 950 điểm tương ứng với kênh giá sideway down.

Việc test thành công ngưỡng 962 điểm trong phiên 25/10 rồi bật lên từ đây có thể coi là một tín hiệu sớm cho việc hoàn thành đợt điều chỉnh với target quanh 950 điểm kể trên. Tuy nhiên, với sự suy yếu của thị trường trong phiên cuối tuần, thì giá vẫn đang tạo đáy sau thấp hơn và đỉnh sau thấp hơn. Do vậy, nhà đầu tư vẫn cần quan sát thêm trong tuần tiếp theo để xác nhân khả năng thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh về những ngưỡng thấp hơn.

Theo nhận định, VN-Index tạm thời tạo vùng đáy ngắn hạn 962- 1.000 điểm để có thể kết thúc giai đoạn giảm giá mạnh ngắn hạn kéo dài từ cuối tháng 08/2022 khi bắt đầu áp dụng chu kỳ thanh toán T+2. Xu hướng trung hạn vẫn chưa cải thiện khi VN-Index chưa thể vượt lên vùng kháng cự MA200 trên đồ thị tuần tương ứng vùng giá quanh 1.100 điểm. Thị trường đang chịu áp lực bán tương đương thời điểm khủng hoảng do đại dịch covid tháng 03/2020 cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu... dẫn tới việc khó xác định liệu thị trường đã hình thành đáy dài hạn hay chưa...

Do đó, nhà đầu tư cần duy trì tỷ trọng hợp lý và chờ thị trường chung ổn định trở lại. Có thể xem xét, lên lại danh mục theo dõi đầu tư. Ưu tiên các mã cơ bản tốt, tỷ trọng tiền mặt cao, trong các nhóm ngành như khu công nghiệp, cảng biển, năng lượng..., các mã ít chịu ảnh hưởng từ diễn biến của tình hình trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.

Trên thị trường thế giới, chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 28/10 bất chấp cổ phiếu Amazon lao dốc. Lực đẩy quan trọng trong phiên này là dữ liệu cho thấy lạm phát hạ nhiệt và chỉ số tiêu dùng vẫn vững vàng.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ 6, chỉ số Dow Jones vọt 828,52 điểm (tương đương 2,6%) lên 32.861,80 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng gần 2,5% lên mức 3.901,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,9% lên 11.102,45 điểm.

Tính chung trong tuần, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều ghi nhận tuần giao dịch ấn tượng. Đây là tuần tăng thứ tư liên tiếp đầu tiên của chỉ số Dow Jones kể từ chuỗi 5 tuần tăng kết thúc vào tháng 11/2021. Chỉ số gồm 30 cổ phiếu thành viên này tăng 5,7%, chứng kiến tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 5 và đang trên đà hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/1976. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 3,9% và 2,2% cả tuần.

Sàn Phố Wall trong tuần này phân hóa mạnh khi giới đầu tư bán tháo những cổ phiếu công nghệ có kết quả kinh doanh quý III thấp hơn dự báo hay triển vọng quý IV đáng thất vọng như Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Meta (sở hữu mạng xã hội Facebook).

Trong khi đó, nhà đầu tư chuyển mạnh vốn sang những cổ phiếu có độ nhạy cảm cao với chu kỳ kinh tế, những nhóm sẽ hưởng lợi trong trường hợp kinh tế Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái.

Còn tại châu Á, phần lớn các thị trường chứng khoán trong khu vực đều giảm điểm trong phiên cuối tuần 28/10 giữa bối cảnh nền kinh tế suy yếu và các “gã khổng lồ” công nghệ công bố báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng đã làm “lấn át” dấu hiệu cho thấy các ngân hàng trung ương có thể bắt đầu làm chậm tốc độ tăng lãi suất.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 0,9% xuống 27.105,20 điểm, trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi một gói kích thích mới, mà theo truyền thông địa phương đưa tin gói kích thích này có thể trị giá tới 200 tỷ USD, trong bối cảnh chính phủ cố gắng khởi động nền kinh tế và đưa đất nước thoát khỏi lạm phát và đồng yen yếu hơn.

Đồng yen đã giảm nhẹ so với đồng USD trong phiên ngày 28/10, mặc dù đồng tiền này đã tăng trở lại kể từ khi chạm mức thấp nhất trong 32 năm vào tuần trước sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 2,3% xuống 2.915,93 điểm, còn chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 3,9% xuống 14.829,07 điểm do những quan ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục mạnh tay chấn chỉnh lĩnh vực công nghệ.

Trong khi đó, chứng khoán Sydney, Seoul, Đài Bắc, Manila và Jakarta cũng trên đà giảm giá.

Ngược lại, các thị trường chứng khoán Singapore, Wellington, Mumbai và Bangkok đang khởi sắc và kết tuần trong sắc xanh.