Vì sao Hapro tuột dốc?

Bức tranh xám về hoạt động kinh doanh

Trong quý I/2023, doanh thu thuần của Hapro ghi nhận sụt giảm 13.9% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn đạt mức 83.8 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán thành phẩm hàng hóa sụt giảm đến 36.1% so với cùng kỳ, xuống mức 47.1 tỷ đồng. Chỉ có doanh thu từ cung cấp dịch vụ và kinh doanh bất động sản lần lượt tăng nhẹ lên mức 36.3 tỷ đồng và 436.8 triệu đồng.

Giá vốn hàng bán của Hapro theo đó giảm nhẹ xuống mức 57.7 tỷ đồng. Khấu trừ đi giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp của Hapro ghi nhận tăng nhẹ 17.5%, lên mức 26.2 tỷ đồng.

Doanh thu hoạt động tài chính của Hapro giảm 55.7% so với cùng kỳ, xuống mức 6.2 tỷ đồng chủ yếu do khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay giảm mạnh xuống chỉ còn 3.5 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm. Chi phí tài chính của Hapro lại tăng nhẹ so với cùng kỳ, lên mức 13.3 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay tăng nhẹ lên 12.6 tỷ đồng.

Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Hapro lần lượt đạt mức 9.6 tỷ đồng và 21.4 tỷ đồng, tương ứng đạt con số lớn so với lợi nhuận gộp thu được trong kỳ.

Kết quả, Hapro tiếp tục ghi nhận lỗ ròng 12.5 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm 2023. Con số lỗ này đã tăng hơn 2 lần so với con số lỗ cùng kỳ năm trước.

Trước đó, trong năm 2022, Hapro đã ghi nhận khoản lỗ ròng lên đến 20,7 tỷ đồng. Như vậy lợi nhuận của Hapro liên tục đi xuống kể từ sau cổ phần hóa. Nếu so sánh năm 2022 với năm 2017 là thời điểm trước cổ phần hóa, hiệu quả hoạt động của Công ty giảm tới vài chục tỷ đồng, gây bất ngờ cho nhiều người vì thông thường doanh nghiệp tốt lên sau cổ phần hóa.

Phai màu hoạt động lõi

Cả 2 trụ cột kinh doanh chính của Hapro đều ảm đạm trong năm qua. Cụ thể, Tổng công ty giới thiệu có thế mạnh trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm với thị trường gồm trên 70 nước và khu vực trên thế giới trong đó có Mỹ, châu Âu, châu Á.

Năm 2022, mảng xuất khẩu đặt kế hoạch kim ngạch 17,22 triệu USD, nhưng chỉ thực hiện được 1,81 triệu USD, chỉ bằng 17% so với cùng kỳ.

Báo cáo tại đại hội cổ đông thường niên 2023, HĐQT Công ty đưa lý do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Dù vậy, nếu so sánh với bức tranh chung của ngành, luận điểm này lại không thuyết phục. Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 22,59 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2021, trong đó có 5 nhóm hàng có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, và điều. Đây đều là những nhóm ngành Hapro có thế mạnh xuất khẩu.

Ở mảng thương mại nội địa, Hapro quản lý chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh mang thương hiệu Haprofood/BRG Mart, BRGIntershop nhưng báo cáo tài chính của Hapro công bố mảng bán lẻ lỗ.

Trong số 22 công ty con và công ty liên kết, chỉ có Gốm Chu Đậu và Thủy Tạ đạt lợi nhuận 16 và 19 tỷ đồng cho năm 2022, còn lại phần lớn là lỗ, có 2 công ty ngừng hoạt động.

Đại hội cổ đông 2023, Hapro đặt mục tiêu doanh thu 660 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 11,06 tỷ đồng. Kết thúc quý 1/2023, Công ty mới đạt 14% kế hoạch đề ra về doanh thu và đang đi lùi xa so kế hoạch đề ra về lợi nhuận.

Trong khi hoạt động chính bay màu, giới đầu tư chú ý tới việc Công ty đưa ra kế hoạch triển khai các dự án đầu tư liên quan đến xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn như Dự án tổ hợp thương mại dịch vụ, khách sạn phía Nam tại phường Hoàng Văn Thụ.

Nhân sự trong HĐQT của Hapro có 3/5 ghế được cho là có liên quan đến Tập đoàn BRG gồm ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch HĐQT Hapro, hiện là tổng giám đốc BRG Retail; bà Trần Thị Tuyết Nhung, hiện là Phó tổng giám đốc Tập đoàn BRG và bà Trần Huệ Linh (nhân sự thay thế bà Khúc Thị Quỳnh Lâm từ tháng 5/2022).

Là công ty đại chúng nhưng hoạt động của Hapro mang dáng dấp của doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn khi chỉ có 4 cổ đông lớn sở hữu tới 217,2 triệu cổ phần, chiếm 98,7 % vốn điều lệ Hapro. Mỗi phiên giao dịch trên sàn UPCoM, gần như không có cổ phiếu nào khớp lệnh hoặc số lượng khớp lệnh chỉ vỏn vẹn vài trăm cổ phần.

Anh Anh – Yến Linh