Lãi suất giảm nhưng dòng tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng

Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng.

Mức tăng này cao gấp 11 lần cùng kỳ năm 2022 nhưng là tháng tăng thấp thứ hai trong 9 tháng đầu năm (chỉ cao hơn tháng 7 - tăng 6.707 tỷ đồng). Còn nếu so với đầu năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.

Trong khi đó, lãi suất huy động tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đang giảm rất mạnh. Cụ thể, lãi suất tiền gửi cao nhất mà Vietcombank đang áp dụng chỉ là 5%. Các ngân hàng lớn khác như BIDV, VietinBank, Agribank cũng chỉ áp dụng mức lãi suất 5,3%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Dòng tiền sẽ chảy vào kênh đầu tư nào cuối năm 2023?
Lãi suất gửi tiết kiệm giảm mạnh nhưng vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. (Ảnh minh họa)

Với ngân hàng thương mại cổ phần lớn như VPBank, Sacombank, Techcombank, lãi suất huy động cao nhất cũng chỉ còn 5,4 – 5,9%/năm. Đáng chú ý, ACB hiện chỉ niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất là 4,9% - thấp hơn cả nhóm Big4.

Lý giải nguyên nhân này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho biết, thực tế thì lãi suất dù có giảm mạnh nhưng người dân không có nhu cầu tiêu dùng mạnh tay, cũng như không tham gia đầu tư nhiều trước nên tất cả dòng tiền vẫn tập trung đổ dồn vào ngân hàng khiến cho các kênh đầu tư như chứng khoán, vàng hay bất động sản,… đều đóng băng.

“Hầu như tất cả các kênh đầu tư đều có độ rủi ro lớn và vẫn còn nhiều biến động khó lường. Trong tất cả các kênh đầu tư hiện nay thì chỉ có ngân hàng được coi là nơi cất trữ dòng tiền an toàn nhất. Bởi dù lãi suất có giảm sâu đi chăng nữa thì việc bỏ tiền vào ngân hàng vẫn an toàn, không rủi ro như các kênh đầu tư khác, mà vẫn có lợi nhuận. Do đó, người ta vẫn lựa chọn việc gửi tiền tiết kiệm ngân hàng”, ông Hiếu chia sẻ.

Dòng tiền sẽ chảy vào kênh đầu tư nào cuối năm 2023?
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn thì việc các nhà đầu tư lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng là điều dễ hiểu bởi nó đảm bảo được nguồn vốn và chờ đợi cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc trong tương lai.

Khôi phục niềm tin để kích thích thị trường trở lại

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mấu chốt để tháo gỡ các thị trường hiện nay là phải làm sao tạo được niềm tin người dân quay trở lại, từ đó chuyển hướng dòng tiền sang các kênh đầu tư khác, cải thiện được thị trường chứng khoán, trái phiếu và vực dậy thị trường bất động sản.

Thời gian qua, các vụ đại án đã làm đóng băng thị trường trái phiếu, từ đó khiến người dân mất niềm tin tại thị trường này. Để “cởi trói” được thị trường này, Chính phủ cần tạo niềm tin cho người dân thông qua việc xây dựng các luật về chứng khoán, trái phiếu. “Mong rằng sang năm 2024, Chính phủ sẽ có những quy định về xếp hạng tín nhiệm cho tất các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư”, ông Hiếu nói.

Còn đối với lĩnh vực bất động sản, ông Hiếu cho biết, chìa khóa để tháo gỡ thị trường này vẫn là pháp lý và tín dụng. Bởi hiện nay, tăng trưởng tín dụng đang thiết lập mức thấp nhất trong vòng 10 năm. Theo đó, tín dụng 7 tháng cho thấy kết quả tăng trưởng âm, khiến việc hạ lãi suất điều hành không còn nhiều ý nghĩa. Nếu tín dụng không thông, pháp lý không gỡ thì bất động sản sẽ tiếp tục gặp khó. Dòng tiền vì vậy vẫn tiếp tục quan sát chứ chưa chuyển động.

Dòng tiền sẽ chảy vào kênh đầu tư nào cuối năm 2023?
Khôi phục niềm tin các nhà đầu tư, kích thích dòng tiền luân chuyển (Ảnh minh họa)

“Tại thời điểm này, mua bất động sản chỉ phù hợp những người có dòng tiền ổn định, ít hoặc không bị phụ thuộc nhiều đòn bẩy tài chính. Chỉ những sản phẩm nào đã hoàn thiện cơ bản về pháp lý, được bàn giao đất thì nhà đầu tư mới nên chuyển hướng dòng tiền để đầu tư”, ông Hiếu nhận định.

Nhìn vào thực tế, người dân vẫn có xu hướng gom tiền gửi ngân hàng để đảm bảo an toàn. Khi lãi suất hạ nhiệt, thị trường ổn định hơn vẫn có nhiều nhà đầu tư tính đến chuyện rút tiền gửi tiết kiệm để chuyển sang đầu tư vào các kênh có khả năng sinh lời cao hơn, trong đó, bất động sản thường được lựa chọn hàng đầu.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu thì các kênh đầu tư như trái phiếu vẫn còn nhiều hoài nghi và gây hoang mang, chứng khoán vẫn còn nhiều biến động, bất động sản và vàng đang đi ngang. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nên xem xét năng lực tài chính, tỷ lệ đòn bẩy của mình có lớn hay không không trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức. Từ đó, các nhà đầu tư cần cơ cấu lại vốn để tiếp cận kênh đầu tư một cách hợp lý nhất

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và các bộ ngành đẵ có nhiều động thái tháo gỡ, khó khăn cho thị trường bất động sản, cơ cấu lại thị trường trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất giúp tâm lý nhà đầu tư trên đà dần được khôi phục. Do đó, kỳ vọng nền kinh tế thị trường và các kênh đầu tư sẽ được phục hồi trong năm 2024./.