Trong một tọa đàm diễn ra mới đây, ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT FIDT cho rằng, kinh tế Mỹ trong năm 2024 được dự báo tăng trưởng chậm lại dưới mức tiềm năng nhưng không diễn ra suy thoái hay dự phóng hạ cánh mềm. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng vừa đưa ra thông điệp sẽ giảm từ 3-4 lần giảm lãi suất trong năm 2024, tạo dự địa cho chính sách tiền tệ nới lỏng.

"Lúc đầu chúng tôi dự tính chỉ khoảng 2 quý trong năm 2024, nhưng giờ tự tin môi trường nới lỏng tiền tệ và chính sách sẽ duy trì cả năm 2024 để hỗ trợ cho nền kinh tế", vị chuyên gia FIDT cho hay.

Chứng khoán được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2024?
Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ giúp dòng tiền chảy vào chứng khoán

Ông Tuấn cho rằng, với dư địa về chính sách tiền tệ nới lỏng và giá rẻ để hỗ trợ nền kinh tế, chứng khoán sẽ là kênh đầu tư được hưởng lợi trực tiếp. Đặc biệt, “tin vui” mà vị chuyên gia nhấn mạnh là Ngân hàng Nhà nước có thể gia tăng mua ròng ngoại tệ dựa trên dòng tiền USD, xuất khẩu thặng dư, gia tăng FDI,... Câu chuyện này có thể tác động tích cực hơn so với động thái bơm tiền bởi tính lan tỏa sâu rộng hơn.

Còn theo ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích đầu tư FIDT cho rằng, thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ đi sát với bối cảnh vĩ mô. Trên thị trường quốc tế, tăng trưởng toàn cầu có thể tương đương năm 2023 trong kịch bản Mỹ hạ cánh mềm. IMF dự báo, mức tăng trưởng toàn cầu năm 2024 là mức 2,9% - không chênh lệch nhiều so với năm 2023.

Về chính sách tiền tệ, Fed đã đạt đỉnh lãi suất nên khả năng cao sẽ hạ lãi suất kể từ giữa năm 2024, kéo theo hành động tương tự tại các ngân hàng trung ương các nước phát triển. Đồng thời, câu chuyện lạm phát không còn là yếu tố quan trọng trong năm sau khi lạm phát được dự báo đã hạ nhiệt và không còn là mối bận tâm của các ngân hàng trung ương.

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn phải cẩn trọng với tình hình địa chính trị là rủi ro bất chợt trong năm 2024.

Chứng khoán được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2024?
Tình hình địa chính trị là rủi ro bất chợt trong năm 2024 và nhà đầu tư cần phải thận trọng với yếu tố này

Về bối cảnh trong nước, lợi nhuận thị trường trong năm 2024 được kỳ vọng tăng trưởng tốt. Nếu so sánh với các thị trường mới nổi hay thị trường cận biên, thì câu chuyện VN-Index sẽ tăng trưởng rất tốt trong năm sau. Thêm vào đó, nền lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp cùng với chính sách tiền tệ sẽ là nhân tố tích cực hỗ trợ chính cho thị trường.

Hiện tại, P/E thị trường đang được đánh giá rất rẻ, nhưng khi phân tách ngành, vị Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích đầu tư FIDT cho biết sẽ có những nhóm khá cao như nhóm phi tài chính, trong khi rủi ro của nhóm ngân hàng và bất động sản đã phản ánh vào định giá cũng như kỳ vọng cho sự phục hồi khi rủi ro giảm dần, riêng thị trường bất động sản, dù tiếp tục phục hồi trong năm 2024 nhưng rủi ro vẫn còn hiện hữu.

Mặc dù giai đoạn khó khăn nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đi qua, nhưng lượng trái phiếu đáo hạn vẫn còn lớn và là dấu hỏi của thị trường, vậy nên đây là rủi ro nhà đầu tư nhất định cần lưu ý đến.

Kịch bản cho chỉ số VN-Index trong năm 2024

Dựa vào các nhận định trên, chuyên gia FIDT đưa ra 3 kịch bản cho chỉ số VN-Index trong năm 2024:

Đầu tiên, kịch bản cơ sở với VN-Index đạt 1.300 điểm, biên độ dao động +/- 20 điểm với các điều kiện tiền đề như: Kinh tế Việt Nam phục hồi tốt trong năm 2024, Kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản ở mức hạn chế cùng với Dòng vốn ngoại trở lại thị trường Việt Nam từ cuối quý II/2023.

Thứ hai, kịch bản tích cực với VN-Index đạt 1.420 điểm, biên độ dao động là +/-30 điểm với các điều kiện sau: Kinh tế Việt Nam phục hồi tốt và xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, Kinh tế Mỹ tăng trưởng ở gần mức tiềm năng dài hạn, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề pháp lý cho thị trường bất động sản, chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng tốt lên và dòng vốn ngoại trở lại mạnh mẽ cho triển vọng nâng hạng.

Thứ ba, kịch bản tiêu cực với VN-Index đạt 1.150 điểm, biên độ dao động +/-20 điểm với các điều kiện như: Kinh tế Việt Nam tuy hồi phục nhưng còn “bấp bênh”, Kinh tế Mỹ xảy ra suy thoái nhẹ, Pháp lý bất động sản và rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, chất lượng tài sản hệ thống ngân hàng chưa có nhiều cải thiện, Dòng vốn ngoại vẫn tập trung ở thị trường phát triển.

Ông Huỳnh Hoàng Phương nêu quan điểm của FIDT có tới 65% xác suất sẽ rơi vào kịch bản thứ nhất, 20% xác suất của kịch bản thứ 2 và cuối cùng là 15% sẽ có khả năng rơi vào tiêu cực.

Chứng khoán được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2024?
VN-Index có thể lên 1.400 điểm trong năm 2024?

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT FinPeace đánh giá, thị trường chứng khoán năm 2024 hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư tốt khi bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên của chu kỳ tăng giá.

“Chúng tôi tin rằng nếu chỉ có chiến thuật mà không có chiến lược, sẽ rất dễ thất bại. Nhà đầu tư không thể chỉ tối ưu giao dịch ngắn hạn mà không có định hướng dài hạn”, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.

Sau giai đoạn 2022 - 2023, chứng khoán đi xuống và đi ngang ở đáy, vị Chủ tịch HĐQT FinPeace kỳ vọng năm 2024 sẽ có cơ hội tăng trưởng, đặc biệt ở giai đoạn cuối năm. Đây cũng là điểm bắt đầu cho một chu kỳ lớn.

Nhìn lại những sóng tăng trưởng lớn trong quá khứ của thị trường chứng khoán Việt Nam đều đến từ những động lực mạnh mẽ, câu chuyện càng hấp dẫn càng khiến thị trường sôi động. Bước sang năm 2024, những câu chuyện hấp dẫn vẫn được viết tiếp với điểm nhấn là câu chuyện nâng hạng thị cùng việc nhà đầu tư cá nhân dần lấy lại sự tự tin. Đây là động lực cốt lõi giúp thị trường lấy lại xu hướng tăng.