Kỳ vọng đảo chiều

Không có bất ngờ như phiên “Black Friday” cuối tuần trước 24/11, phiên đầu tuần 27/11 chứng kiến hàng loạt cổ phiếu trụ “gãy đổ”, qua đó tác động tiêu cực khiến chỉ số VN-Index phải trả lại điểm cho phiên trước đó. Đặc biệt, điều đáng lo là tình trạng mất thanh khoản với 595 triệu cổ phiếu khớp lệnh trên sàn HoSE, tương đương giá trị giao dịch đạt 11.809 tỷ đồng, giảm gần 7.500 tỷ đồng. Có thể nói, phiên đầu tuần vừa qua dường như đã lấy lại hết chút hy vọng đã tạo ra trong phiên cuối tuần trước.

Nhìn lại diễn biến tuần qua, thị trường chứng khoán ghi nhận biến động mạnh xoay quanh những thông tin tiêu cực liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, kết tuần VN-Index đã lấy lại đà hồi phục.

Rủi ro trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán vẫn đang hiện hữu
Hàng loạt cổ phiếu trụ "gãy đổ" tác động tiêu cực khiến VN-Index phải trả lại điểm cho phiên trước đó

Sự tích cực của chỉ số chính diễn ra sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) cho biết tiếp tục tổ chức kiểm thử hệ thống giao dịch với sự tham gia của các thông tin thành viên. Đây là một bước tiếp theo trong lộ trình triển khai KRX - hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dự kiến sẽ được đưa vào vận hành từ cuối tháng 12/2023.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào hệ thống mới này. Theo đó, đây là thông tin tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng điểm trong thời gian tới, góp phần giúp giao dịch ổn định hơn cũng như là cơ sở để phát triển thêm sản phẩm mới.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Chứng khoán VNDirect tiếp tục bảo lưu quan điểm xu hướng phục hồi của thị trường chưa bị vi phạm. Vị chuyên gia nhấn mạnh, sau phiên giao dịch cuối tuần 24/11, các chỉ số đã hồi phục ấn tượng và đóng cửa ở mức cao nhất phiên. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index đã tạo đáy 2 thành công tại vùng 1.070-1.080 điểm.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia đến từ VNDirect cũng cho rằng, thị trường đang đón nhận thêm thông tin vĩ mô tích cực như: Áp lực tỷ giá hạ nhiệt tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước ngừng phát hành tín phiếu và bơm trả lại thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại cũng tiếp tục điều chỉnh lãi suất huy động. Điều này cho thấy môi trường chính sách tiền tệ trong nước vẫn được duy trì theo hướng nới lỏng, hỗ trợ kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

Với thị trường bất động sản, Chính phủ đang quyết liệt gỡ vướng về mặt pháp lý cho các dự án, trong đó có những dự án của các doanh nghiệp bất động sản lớn trên sàn.

Theo ông Hinh, dòng tiền thông minh sẽ bớt tâm lý thận trọng và dần trở lại thị trường chứng khoán. Xu hướng phục hồi tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý IV/2023 và năm 2024 cũng sẽ tạo xung lực cho thị trường chứng khoán trong nước.

Rủi ro trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán vẫn đang hiện hữu
Những gì VN-Index diễn ra cùng những thông tin kém tích cực vẫn cho thấy rủi ro ngắn hạn đang gia tăng

Thị trường đang phải đối mặt với những rủi ro nào?

Mặc dù thị trường hồi phục nhưng đà tăng đang có sự phân hóa mạnh mẽ khi nhóm cổ phiếu lớn VN30 “yếu thế” hơn hẳn so với nhóm vốn hóa vừa (VNMidcap) trong việc thu hút dòng tiền, điều này khiến hiệu suất của chỉ số VNMidcap “vượt mặt” VN30.

Có thể thấy, từ giữa năm nay, các cổ phiếu lớn đã thu hút dòng tiền đầu tư khá tốt, nhưng kể từ tháng 9 tới nay, nhóm cổ phiếu này đã quay đầu giảm mạnh để nhường chỗ cho nhóm cổ phiếu vừa vươn lên.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu MidCap do có vốn hóa trung bình nên dễ bị tác động bởi dòng tiền đầu tư hơn, nhịp tăng không ổn định nên việc dòng tiền không còn phụ thuộc vào nhóm Bluechip mà được tạo ra chủ yếu từ nhóm Midcap cho thấy xu hướng đầu cơ trên thị trường gia tăng trong bối cảnh cổ phiếu trụ chưa thể hiện được sức mạnh, trong khi đó, hiệu suất tích cực thời gian qua đã đẩy định giá của nhóm Midcap cũng đã vượt đỉnh lịch sử và vượt cả giai đoạn tiền rẻ 2021. Điều này báo động thị trường chứng khoán có thể sẽ phải đối mặt với áp lực giảm điểm lớn để đưa định giá về mức hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, chứng khoán còn đang phải đối mặt với rủi ro lớn đó là thị trường bất động sản “đóng băng” dài hơn so với dự kiến, điều này thể hiện rõ nhất ở việc nợ xấu trái phiếu vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện.

Rủi ro trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán vẫn đang hiện hữu
Thị trường còn đang đối mặt với rủi ro lớn đó là thị trường bất động sản "đóng băng" dài hơn dự kiến

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, nợ xấu trái phiếu bất động sản vẫn tăng cao làm tăng nợ xấu cho các ngân hàng, nhất là với các ngân hàng nhóm dưới có bộ đệm vốn thấp.

Theo báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Chứng khoán MB (MBS) phát hành mới đây cho thấy, tính đến ngày 22/11, tổng giá trị trái phiếu phát hành thành công ước đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, giảm 32% so với tháng trước.

Đáng chú ý, lãi suất phát hành trái phiếu của nhóm ngân hàng có xu hướng nhích lên trong tháng 11 sau nhiều tháng đi ngang. Đây là một dấu hiệu cho thấy lãi suất huy động của ngân hàng khó có thể giảm thêm nữa.

Về hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp cũng có phần chững lại trong các tháng gần đây. Tính đến ngày 21/11, có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo về việc chậm, hoãn thanh toán gốc và lãi trái phiếu.

Chứng khoán MBS ước tính tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm gần 19% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường, trong đó bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 70% giá trị chậm trả.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang bủa vây các doanh nghiệp bất động sản. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành mới và được mua lại còn thấp hơn so với tổng giá trị trái phiếu đến hạn.