Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về dòng tiền

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo Phó thủ tướng, trong những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.

Trong điều kiện rất khó khăn, GDP quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng không cao, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm, bình quân 4 tháng tăng 3,84%.

Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm, trong đó lãi suất cho vay bình quân giảm 0,7% so với cuối năm 2022; thanh khoản của hệ thống ngân hàng được bảo đảm; thanh toán không dùng tiền mặt đạt kết quả tích cực. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 632,5 nghìn tỷ đồng, bằng 39% dự toán năm. Xuất siêu 7,56 tỷ USD (cùng kỳ xuất siêu 2,25 tỷ USD). Giải ngân vốn đầu tư công tăng 15 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) phục hồi trong tháng 4, tăng 3,6% so với tháng 3 và tăng 0,5% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 12,8%; thu hút 3,7 triệu lượt khách quốc tế. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.

Tập trung triển khai nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia (khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 723,7 km; tháng 6/2023 sẽ phấn đấu khởi công đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, vành đai 4 Hà Nội; thúc đẩy tiến độ Cảng hàng không quốc tế Long Thành...); hoàn thành, đưa vào sử dụng 310 km đường bộ cao tốc (các tuyến: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Phan Thiết - Vĩnh Hảo) và một số tuyến đường bộ ven biển (Quảng Ninh, Phú Yên, Bình Thuận, Bình Định).

Nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tích cực xử lý, đạt kết quả bước đầu; khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2 sau nhiều năm bị gián đoạn; đang tích cực triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị về cơ cấu lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các ngân hàng thương mại yếu kém; 03 nhà máy đạm đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi (Hà Bắc, Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai)...

Tuy nhiên, Chính phủ cũng cho rằng nền kinh tế đang tồn tại một số khó khăn, thách thức như tăng trưởng GDP quý I năm 2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng.

Thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm; mặc dù số tuyệt đối tăng nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm, thấp hơn so với cùng kỳ (18,48%). Vốn FDI đăng ký mới giảm 17,9%, vốn thực hiện giảm 1,2%. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng.

Chính phủ thừa nhận, do tích tụ bất cập nhiều năm, các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Việc triển khai một số chính sách của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm.

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, những hạn chế, bất cập nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó chủ yếu là do tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây khó khăn, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành. Nền kinh tế có độ mở lớn, trong khi năng lực nội tại còn thấp, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao nên chịu tác động, ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố bên ngoài.

Những tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém. Công tác phân tích, dự báo và phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, kịp thời, nhạy bén, bên cạnh đó còn có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai...

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nắm chắc tình hình, tăng cường phân tích, dự báo, kịp thời đưa ra chính sách phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, chuyển trạng thái đột ngột. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Tập trung cho các động lực tăng trưởng (về tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới.

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Điều hành tỷ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp; tập trung chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay; bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai hiệu quả gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng.

Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên. Nghiên cứu, đề xuất Quốc hội về phương án đối với thuế tối thiểu toàn cầu và việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí một cách phù hợp, hiệu quả.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội ; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tăng cường nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Mộc Miên